U.S. Investment
CÔNG TY ĐẦU TƯ MỸ - USI
Công ty TNHH Đầu Tư Mỹ
Hotline: 0909 39 69 99

Nước Mỹ

Nước Mỹ

Tôi làm giàu ở Mỹ như thế nào?

(Đầu tư mỹ) - Tôi thì không nghĩ là mình thành công nhưng trong công ty họ lại gắn cho tôi cái nhãn hiệu đó. Riêng tôi biết rõ mình là ai và khả năng của mình đến đâu, thì ôi chao sao mà ngao ngán cái ngày mọi người biết mình chỉ là một anh khờ gặp may!
 
Ở thời gian này máy vi tính mới còn thô sơ, nhưng mẫu máy căn bản mới thành hình. Tôi tập tành lắp ráp máy tính và bán lẻ, lợi nhuận khá cao. Tôi bắt đầu tìm tòi về điện tử qua sự hướng dẫn của các bạn bè. Kinh nghiệm thực tế tôi có nhưng để tiến xa hơn tôi quyết định đi học, 2 năm ngồi ở college và tiếp tục lên cao hơn rồi tôi cũng có bằng kỹ sư. Nhưng có điều buồn cười là người khác học thì gần như đậu A còn tôi đậu C. Có nghĩa là cái bằng của tôi chẳng có ma nào thuê tôi làm việc mà có được thuê thì cũng chỉ là một anh cán sự chứ khó để làm kỹ sư.
 
Mặc dù thế nhưng chẳng lẽ học kỹ sư mà lại làm cán sự, coi sao được, nên tôi lại phải lên kế hoạch để làm kỹ sư cho bằng được. Tôi biết rằng có những đoàn của các công ty đến San Jose để tuyển nhân viên, và thông thường họ hay ở tại cái khách sạn Holiday INN góc đường số 1 và cầu vượt xa lộ 101. Biết rằng mình kém cỏi, tôi tự biết mình chẳng có cơ hội để được tuyển chọn.
 
Khi biết có các đoàn chuyên gia về làm việc, tôi nhờ bạn tôi giữ cho tôi một căn phòng xen kẽ với họ. Mục đích của tôi là phải tìm cách tiếp cận được với bất cứ đoàn nào, khi họ đi ăn sáng. Tôi cũng đi theo và cố tìm bàn ngồi gần họ và cố gắng ngày nào cũng tìm cách chào bất cứ ai mà tôi gặp. Good morning rồi cười duyên một phát và biến. Buổi chiều tối cứ khoảng 9 giờ là tôi lại xuống bar ngồi một mình chờ họ đến ngồi gần, vài ly rượu, hay ly beer tôi cố làm ra vẻ phóng khoáng và bắt chuyện với họ. Sau hai ngày thì tôi đã quen được vài nhóm.
 
Đến ngày trọng đại, tôi đến trường thật sớm và chờ đợi. Khi thấy họ đến từ xa thì tôi cũng từ từ tiến lại. Dĩ nhiên đã quen nhau thì phải chào nhau. Khi biết tôi đi tìm việc, một chuyên viên của nhóm đã nhìn tôi ái ngại khi nhìn học bạ của tôi rồi sau vài câu phỏng vấn ngoài lề, ông ta nhận hồ sơ của tôi và hẹn sẽ gọi cho tôi. Tôi ra về chẳng chút hy vọng gì.
 
Buổi trưa tôi cũng gặp lại ông ta, hoàn toàn không đả động đến chuyện nộp đơn sáng nay. Sau cùng thì ông hất đầu ra dấu cho tôi sang ngồi cùng. Ông nhìn tôi mỉm cười bằng cái nhìn tinh quái rồi nói: You are good. I like your game và thân thiện hỏi tôi: anh tốn bao nhiêu tiền khách sạn? Tôi cười tiu nghỉu trả lời : 450 USD vì hiểu là bị ông ta lật tẩy rồi. Ông vẫn hỏi: Tôi chỉ ngạc nhiên khi anh là một sinh viên tại sao anh lại ở chung khách sạn với chúng tôi trong thời gian này? Tôi cũng hóm hỉnh trả lời ông: Thật ra tôi đến ở khách sạn là để tìm một mối quan hệ vì với điểm đậu của tôi thì tôi chẳng có chút hy vọng nào được các ông để mắt tới, chứ đừng nói là được phỏng vấn.
 
Ông cười và hỏi tiếp: thế anh có tìm được quan hệ nào không? Tôi lại ngổ ngáo trả lời: ít nhất tôi chưa phải thất vọng, vì ông là quan hệ đầu tiên của tôi. Việc ông nhận hồ sơ của tôi sáng nay, đang thắp sáng niềm hy vọng của tôi. Ông cười lớn và nói nhỏ: đừng hy vọng nhiều vào tôi, sao anh không nghĩ là tôi chỉ không muốn anh bị chạm tự ái? Tôi lấy hết can đảm để bắn phát đạn cuối cùng: Tôi tìm đến khách sạn này là vì trực giác, tôi gặp ông cũng do trực giác và tôi biết là sau này cũng chính ông là người dẫn dắt tôi. Tôi xin ông đừng bố thí mà chỉ xin ông nhìn trong mắt tôi đang chứa đầy sự háo hức được làm việc và tôi biết là ông sẽ nhận tôi. Ông làm mặt giận và nói: bull shit và cả hai chúng tôi đều phì cười.
 
Nhưng cũng chính vì cuộc nói chuyện này mà con đường công danh của tôi lại chuyển sang một nghề khác. Ngày hôm sau ông nói với tôi ở phòng ăn: Tôi không thể nhận anh trong dịp này, nhưng tôi nhận anh theo cách thông thường như anh nộp đơn từ công ty và khi được nhận, tôi sẽ có thư thông báo. Một tháng sau, tôi lên đường đi Ohio làm việc. Tôi được nhận với vị trí kỹ sư cơ xưởng.
 
Hình như mỗi người đều có số mệnh riêng
 
Làm việc được 6 tháng thì hãng quyết định đóng cửa phân xưởng mà tôi làm việc. Khi nhận được cái check cuối cùng và vé phi cơ trở về nguyên quán, tôi tìm đến thăm người thầy tốt bụng. Trong lúc chưa nói câu giã từ thì tôi thấy trên bảng ghi: Công ty có chương trình tuyển 25 Salemen để làm marketing, không cần kinh nghiệm và sẽ được huấn luyên tại trường huấn luyện của hãng trong 24 tháng.
 
Nhìn tôi chăm chú đọc thông báo ông Budd đã nghi ngời hỏi dò tôi: Anh không định xin qua làm marketing đó chứ? Tôi chẳng dấu giếm gì hết và nói ngay: marketing là ngành mà tôi yêu thích. Ông có thể cho tôi một chỗ không? Nheo mắt nhìn tôi ông hỏi: Liệu mày có theo được không? Tôi cũng dí dỏm trả lời: Ông còn nhớ lần nói chuyện của tôi và ông. Ông không nghĩ là tôi đã làm công việc tiếp thị và chinh phục ông mướn tôi khi tôi chỉ tốt nghiệp điểm C? Một lần nữa tôi lại thắng.
 
Hai năm tu nghiệp về marketing đã cho tôi biết bao kinh nghiệm sống và làm việc. Học xong tôi được chuyển về chi nhánh của công ty tại Century City, chỉ cách Bervely Hill chỉ một con đường. Thời điểm này một số các công ty lớn chuyên về retail có ý định thay đổi hệ thống máy tính (point of sale) và tôi khá thành công trong việc tiếp cận với khách hàng. Các hãng sản xuất tranh nhau tiếp thị và dùng đủ mọi cách để giữ khách hàng, mặc dù vậy tôi cũng thành công khi có một số lớn các accounts của chi nhánh và từng được tuyên dương là "Nhân vật của năm". Rồi một chuyện tình cờ làm tôi nổi danh hơn, làm tôi cảm thấy mình giống như nhân vật Vi Tiểu Bảo trong truyện Trung Quốc. Câu chuyện thật khó tin nhưng là chuyện đã xảy ra.
 
Số là một retail store tại khu vực Los Angeles mua và thay thế toàn bộ hệ thống máy tính tiền. Ba tháng đầu tiên hệ thống chạy rất tốt nhưng sau đó thì trục trặc liên tiếp.
 
Trở ngại là: Trước khi cửa hàng mở cửa hệ thống toàn bộ không hề có dấu hiệu trở ngại, nhưng khi cao điểm (có khách hàng đông) là máy chủ bị tê liệt. Rất nhiều kỹ sư được gửi đến để sửa chữa, nhưng bất kể họ làm gì máy chủ vẫn chứng nào tật ấy. Tình trạng gây ra làm khách hàng nổi giận và đòi huỷ hợp đồng. Tất cả các mạch chủ đều được thay mới. Hệ thống dây cable được kiểm soát lại và tất cả gần như hoàn thiện. Sau vài tuần trở ngại liên tục xảy ra, tôi đã phải đến để ghi nhận sự việc kỹ thuật trục trặc để làm báo cáo. Viễn cảnh bị mất khách hàng và hậu quả của việc đánh mất khách hàng làm tôi nổi cáu. Trong phòng chứa máy chủ, chỉ có mình tôi, rồi không dằn được bực bội, tôi tức giận đá vào thân máy liên tiếp hàng chục cái và rồi mắt tôi sáng ra khi thấy xác một chú chuột nhắt đã khô rơi xuống đất.
 
Tôi bắt đầu kiểm tra lại hệ thống dây và sau gần 3 giờ tôi phát hiện ra chỉ duy nhất có một sợi bị chuột gặm nhấm đứt gần quá nửa. Tôi cắt bỏ đoạn bị cắn và nối lại. Ôi sung sướng làm sao toàn bộ hệ thống chạy như chưa bao giờ bị hỏng. Tôi thông báo với engineer deparment bộ phận có trách nhiệm sửa chữa với lý do : một mạch điện bị lỏng. Tôi thì không nghĩ là mình thành công nhưng trong công ty họ lại gắn cho tôi cái nhãn hiệu của người thành công. Riêng tôi khi biết rõ mình là ai và khả năng của mình có những gì, thì ôi chao sao mà ngao ngán cái ngày mà mọi người biết mình chỉ là một anh khờ gặp may!!!
 
Giải thích: sợi dây điện vì bị chuột cắn mất quá nửa, nên khi hệ thống máy con chưa sử dụng, nó vẫn đủ sức tải, nhưng khi có nhiều máy cùng chạy, dòng điện mạnh hơn, làm dây nóng và cắt mạch. Mặc dù các kỹ sư có đến và đo lại tất cả các dây, nhưng khi đo nguội thì mạch điện vẫn liền, đó là tại sao không tìm ra nguyên do máy không chạy khi cao điểm.
 
Thăng trầm
 
Như tôi đã kể ở đoạn trên là tôi sớm có một số tiền, vì may mắn có công việc làm sớm nhưng tôi lại tham lam khi thấy bạn bè tôi thành công vì cổ phiếu. Tôi liều lĩnh muốn ăn mẻ lớn, nên vào một ngày thức dậy tôi mới biết qua đêm thức dậy thấy mình trắng tay. Tôi bị shock khá nặng, và xin nghỉ một tháng để “hưởng thụ”.
 
Sẵn còn vài ngàn vừa lãnh xong, tôi điên lên và cương quyết phải đốt cho bằng hết, cứ thích gì thì làm cái đó. Cái tôi thích nhất là đi ăn sushi bar và ông bạn người Nhật (là một khách hàng địa ốc mà tôi chọn lọc, tôi đến đây cũng chính vì tôi từng theo sát ông trong những ngày chưa xảy ra sự cố thị trường chứng khoán bị sụp đổ) thời gian này trở thành bạn nhậu của tôi.
 
Thân nhau hơn, và vì biêt tôi vừa bị phá sản về chứng khoán, tôi được ông mời đến nhà chơi và sau cùng thì ông cũng còn biết tôi là một real estate broker. Có thể ông muốn giúp tôi nên ông ngỏ ý muốn bán một plaza với giá 32 triệu USD, và hỏi tôi có thể list lên market cho ông không? (Ông cũng không ngờ rằng;để tiếp cận được với ông tôi đã mất khá nhiều công lao).
 
Dĩ nhiên là tôi rất vui mừng vì mục đích đã thành công. Bây giờ lúc đi vào hợp đồng. Thoả thuận hoa hồng 10%. Thời hạn hợp đồng một năm. Sau đó vì những xáo trộn liên tiếp xảy ra cho thị trường địa ốc, tôi cũng không có nhiều hy vọng có thể bán được, nên tôi hợp tác với một broker khác cùng ra sức bán với tôi. Tôi cũng phải nói thêm, tôi không là broker thường xuyên của thị trường địa ốc bình thường, mà chỉ chuyên về tài sản địa ốc bị foreclosure, nên cơ hội có khách mua tài sản có giá trị lớn cũng bị giới hạn. Nhưng số may của tôi vẫn còn nên chỉ bảy tháng sau, tôi bán được, nhưng không phải bán cho thị trường nột địa Mỹ, mà thân chủ của tôi lại là một triệu phú người Anh. Vì vậy tôi hưởng trọn tiền hoa hồng mà không phải chia cho ai.
 
Vài tháng sau bốc đồng tôi nhảy sang làm việc cho một hãng khác, cũng trong ngành sale, công việc mới đòi hỏi tôi phải ra nước ngoài những quốc gia nằm trong lãnh thổ mà tôi có nhiệm vụ phát triển thị trường cho công ty mới. Tôi bận rộn quên đi chuyện bán cái plaza của ông bạn người Nhật. Nhưng 5 tháng sau đó tại London, tôi có dịp cùng tham gia một cuộc họp công nghệ với đối tác tại đây. Sau buổi họp này có một vị hỏi tôi về tình hình địa ốc tại Mỹ, sau đó ngỏ ý muốn tìm mua một bất động sản để kinh doanh. Tôi chợt nhớ đến cái plaza của ông bạn Nhật. Đêm đó tôi gọi về Mỹ và yêu cầu ông bạn người Nhật gửi thư phát nhanh cho tôi toàn bộ thông tin về cái plaza này. Tôi không thể ngờ được là chỉ 15 ngày sau, vị khách có mặt tại sân bay San Francisco, chỉ 1 tuần sau chính thức ký hợp đồng mua bán. Mặc dù không bán được 30 triệu nhưng giá bán củng mang lại cho tôi một khoản hoa hồng khá lớn, 2,7 triệu USD, một con số có nằm mơ cũng không nghĩ đến được.
 
Nhưng thật sự tôi đang có số tiền đó, không tin cũng chẳng được, con số lợi nhuận quá lớn từ địa ốc làm tôi suy nghĩ lại, và quyết định bỏ nghề chuyên môn và đi chuyên ngành về địa ốc. Thời điểm này lại là thời kỳ hưng phấn của địa ốc, nhà không có để bán, chỉ cần treo bảng có khi buổi sáng đến buổi chiều đã có thể kiếm chục ngàn dollars. Với số tiền sẵn có tôi mua nhà liên tục và bán cũng liên tục. Có lúc tôi mua đến 16 căn nhà Shapell đắt tiền với mục đích thắng lớn.
 
Nhưng lại nhưng phải không các bạn, đang say sưa với chiến thắng thì vào một buổi chiều đất trời rung chuyển, trận động đất to lớn đã làm cho toàn bộ thị trường địa ốc khựng lại. Ngay ngày hôm đó tôi bị mất 90.000 USD vì Escrow của tôi không đóng được, người mua bỏ hợp đồng trị giá 1,3 triệu USD mà mức lời của tôi là 90.000 USD. Liên tục các tháng sau đó chẳng ai mua và người ta thi nhau bán nhà. Tôi còn chút tiền mặt cầm cự nhưng với 16 căn nhà mà mỗi tháng tôi phải trả mortgages từ 2,5 cho đến 4 nghìn USD cho một căn. Chỉ ba tháng sau đó tất cả tiền tiết kiệm của tôi không cánh mà bay và cuối cùng tôi phải bán rẻ đi 12 căn chỉ còn giữ lại 4 căn làm vốn mà giá trị của cả 4 căn chỉ vào khoảng 1,2 triệu USD.
 
Tôi quyết định bỏ nghề quay lại làm kỹ sư, rồi vì không trông coi được tôi củng bán hết và mua một trang trại cũ có diện tích gần 1 arce với giá 600.000 USD ở thành phố Milpitas, CA. Thỉnh thoảng tôi vẫn hoạt động rời rạc trong lĩnh vực địa ốc. Rồi một hôm tôi lại nổi máu liều khi biết có một khu đất vùng New Jessey có diện tích 45 arces được rao bán với giá 850.000 USD, tôi quyết định mua ngay và vét đến đồng bạc cuối cùng để mua cho được. Mặc dù chưa hề biết nó nằm ở đâu (khi mua nhà đấu giá, bạn chỉ có 3 ngày để thanh toán). Mua xong tôi mới đi coi.
 
Mảnh đất này nằm cách trung tâm thành phố 65 dặm, và hiện do người thuê quản lý. Sau khi biết tôi là chủ mới họ đề nghị tiếp tục thuê lại và trả trước 2 năm tiền thuê với giá 7.000 USD/một tháng và hợp đồng là 15 năm. Dĩ nhiên là tôi đồng ý, tôi trở về San Francisco tôi làm thủ tục vay ngân hàng. Số tiền tôi phải trả hàng tháng là 5,200 USD. Như vậy tôi vẫn lời được 1.800 USD một tháng. (Khi vay tiền, ngân hàng có cho định giá tài sản, mặc dù tôi chỉ mua có 850.000 USD, nhưng theo bảng định giá miếng đất có giá trị 1.270.000 USD. Sự sai biệt là equity. Equity này cho phép tôi rút lại toàn số vốn đã bỏ vào và số nợ còn lại được chia ra trong 30 năm, mỗi tháng trả 5.200 USD cho đến hết 30 năm là xong).
 
Kể từ đó tôi không có nhiều dịp để tham gia vào thị trường địa ốc và an phận với những gì mình đã có. Rồi một ngày mới lại xảy đến cho tôi. Đúng vào ngày 4/7/1998,sau khi đi dự tiệc về, đường lên nhà tôi bị chặn lại. Cảnh sát cho biết là nhà tôi vừa bị cháy. Tôi gọi cho một anh bạn để xin ngủ nhờ, khi đến nơi tôi thấy anh bạn đang xếp ra bàn 2 cái ly và chai rượu vừa cười vừa đùa: Chúc mày vừa trúng số. Tôi đâm cáu vì nhà vừa bị cháy gặp thằng bạn quí lại mỉa mai. Làm tôi phát cáu nhưng nó vẫn cười hề hề và nói nhỏ: mày cứ chửi bố mày đi sáng ngày mai mày trở về nhà thì biết..
 
Sáng hôm sau tôi trở lại nhà tôi, cảnh tượng thê lương căn nhà to lớn chỉ còn lại 2/3 khói đen bám quanh nhà. Ở một góc sân vẫn có chỗ còn âm ỉ mồi lửa, và trước nhà tôi có hàng trăm người đang bu quanh. Người nào cũng cố bám lấy tôi và đề nghị cho họ làm người đại diện để làm việc với hảng bảo hiểm. Sau cùng tôi cũng chọn được một người. Việc đầu tiên là buổi sang họ mang lại cho tôi một tấm check của công ty bảo hiểm có trị gía 20 ngàn đô để tôi chi phí cấp thời, họ cũng mang đến hơn 10 người đến để liệt kê tài sản của tôi. Toàn bộ quần áo họ thu hết. TV, các loại máy đều bị thu gọn, mà quần áo là nhiều nhất.
 
Một chuyên viên nói với tôi: Chưa bao giờ tôi thấy ai có nhiều quần áo như ông! Thật ra chẳng phải là tôi có nhiều quần áo, mà chỉ vì tôi có thói quen cứ hàng tháng tôi lại đóng thùng gửi về cho thân nhân ở Việt Nam. Số quần áo này tôi mua ở chợ trời nên nhiều vô kể. Chẳng ngờ rằng trong bảo hiểm có điều khoản nói rõ: đối với vất dụng quần áo thì cứ một đổi một vì vậy kể cả miếng giẻ lau nhà cũng được tính lá 1 unit. Tổng kết Bảo hiểm phải đền cho tôi từ quần áo và các vật dụng khác và tiền sửa nhà lên đến trên 2,3 triệu USD. (Ghi chú: Bảo hiểm hoả hoạn, của tôi có Cover limit up to 3 triệu USD).
 
Tôi quyết định bán phần đất của khuôn viên được 1,7 triệu USD. Có thêm chút tiền tôi có ý định nghỉ hưu sớm. Nơi đầu tiên tôi nghĩ đến là về Việt nam. Nghĩ là làm, tôi mua vé về Việt Nam ngay sau đó vài ngày. Ôi chao Việt Nam vui quá và tôi ở lỳ đến 6 tháng. Tôi quay lại Mỹ sau 6 tháng, một cảm giác xa lạ chợt đến. 6 tháng tách xa cộng đồng làm như đã có những khác biệt quá lớn lao. Tôi vẫn phân vân không biết nên quyết định về hay ở lại Mỹ thì có anh bạn đang ở Việt Nam kệu réo: Mày ở lại Mỹ làm gì, về đây tao với mày mua chung miếng đất làm cái trang trại gần thành phố an dưỡng hưu trí cho rồi. Đột nhiên tôi thấy anh em họ hàng hiện ra. Có người giàu có, có người quá khổ, một lũ cháu dại, những quyến luyến thân tình.
 
Thế là tôi ok về Việt Nam.
 
Có thể bài viết trước tôi lấy cái tựa đề như vậy chưa hẳn là phù hợp. Có lẽ, tôi phải đặt cho câu chuyện một cách gọi nhẹ nhàng hơn, như may mắn đã đến với tôi như thế nào trên đất Mỹ mới là đúng. Gọi như thế nào có thể chẳng quan trọng gì, cái quan trọng là trong hai bài viết này tôi đã có dịp cùng chia sẻ với các bạn một câu chuyện thật đời người. Thành công cũng lắm, mà thất bại cũng nhiều.
 
12 câu tôi đúc kết dùng làm topic cho từng đoạn trong câu chuyện, chẳng phải ngẫu nhiên mà có. Nó được tôi rút gọn để chia sẻ với các bạn một điều: Sự thành công không căn cứ vào một điều nhất định nào, mà nó cần tất cả các yếu tố để thành công từ may mắn, gian truân, trí tuệ và cả độc ác nữa. Vì vậy mới có khi cứng phải cần mềm, và đừng mang cái tôi ra ca tụng. Đạo lý đòi hỏi con người phải công bằng. Đức tin là của trân bảo, nhưng đôi lúc lại chỉ là cát bụi vì vậy mới có dịu ngọt chớ nghe. Câu chuyện của tôi chấm dứt ở đây, vô cùng cảm kích các Bạn đã có những phản hồi ưu ái dành cho tôi.
 
Kính chào.
Theo: Charles Tran (vnexpress)

Bạn cần biết thêm chi tiết? Vui lòng ĐẶT CÂU HỎI, hoặc liên lạc trực tiếp với chúng tôi qua hotline +84 (0) 909 39 69 99 để được tư vấn.