U.S. Investment
CÔNG TY ĐẦU TƯ MỸ - USI
Công ty TNHH Đầu Tư Mỹ
Hotline: 0909 39 69 99

Nước Mỹ

Nước Mỹ

Chàng trai Mỹ và 'tình yêu tuyệt vời' với tiếng Việt

Chàng trai Mỹ và 'tình yêu tuyệt vời' với tiếng Việt
Sam khi còn học tiếng Việt cấp tốc ở bang Wisconsin.

Đầu tư mỹ - Theo học ngành xã hội học tại trường đại học Hobart and William Smith, Sam Smukler, chàng trai người Mỹ đến từ bang New York đã nhanh chóng ‘bén duyên’ với tiếng Việt và đất nước Việt Nam cách đây hai năm. Sam đến Việt Nam và ở đó một thời gian thông qua chương trình du học do trường đại học tổ chức. Khi trở về Mỹ, vì không có nhiều người Việt ở khu vực mình sinh sống để có thể thực hành tiếng Việt, anh đã tự mình tiếp tục học tiếng Việt. Một cách mà anh chọn thực hiện đó là đăng tải lên trang Youtube những đoạn video tập nói, tập đọc báo, và thậm chí là hát những bài hát tiếng Việt với mong muốn nhận được phản hồi, đóng góp từ những người Việt. Những video của anh nhận được rất nhiều sự quan tâm tích cực từ những bạn trẻ Việt Nam. Nhiều bạn đã băn khoăn anh đã học tiếng Việt bao lâu và như thế nào để có thế nói tiếng Việt tốt như vậy. Để trả lời những thắc mắc này, VOA Việt ngữ đã liên lạc và trò chuyện nhanh với anh để giúp mọi người hiểu nhiều hơn về chàng thanh niên thích học tiếng Việt này. Xin mời quý vị cùng lắng nghe cuộc phỏng vấn với Sam Smukler do Hồng Hoa thực hiện.

VOA: Chào Sam, Sam vừa bay từ Việt Nam về Mỹ, vậy thì Sam đã hết bị jetlag (tình trạng sức khỏe cơ thể bị xáo trộn khi bay qua nhiều múi giờ) chưa?
 
Sam: Đã hết jetlag, đỡ rồi, đỡ nhiều rồi nhưng chưa khỏi.
 
VOA: Bạn đến Việt Nam bao nhiêu lần rồi?
 
Sam: Ba lần rồi.
 
VOA: Bạn đã có nhiều bạn người Việt Nam chưa?
 
Sam: Rồi, mình đã gặp nhiều người Việt Nam và rất hay nói chuyện với nhau.
 
VOA: Vậy chuyến đi Việt Nam lần đầu khác chuyến đi gần đây nhất của bạn như thế nào?
 
Sam: Hai lần đầu tiên mình đi là mình đã đi thông qua một chương trình nào đó hay một tổ chức nào đó. Thế thì mình đã ở Việt Nam có kế hoạch. Tức là mình lên lớp, đi học, mình làm bài tập. Nhưng lần thứ ba mình đi du lịch sau khi mình tốt nghiệp thì mình đi một cách độc lập hơn tại vì không có tổ chức nào tài trợ hay ủng hộ mình. Kiểu như thế!
 
VOA: Bạn đã đi du lịch những đâu?
 
Sam: Mình đi Hà Nội, Ninh Bình, một chỗ ở tỉnh Vĩnh Phúc.
 
VOA: Bạn đã bắt đầu học tiếng Việt như thế nào?
 
Sam: Sau khi mình bay về Mỹ từ Việt Nam lần đầu tiên, mình tìm cách học tiếng Việt tại vì ở Mỹ không có người Việt Nam nói chuyện (với mình), thế thì mình không tập được. Sau đó mình lên mạng tìm và đã nhìn thấy một số trang tin tức bằng tiếng Việt. VOA Tiếng Việt là một, BBC Tiếng Việt cũng là một cách học tiếng Việt rất là hay. Tức là mình đã đọc những tin tức trên mạng để luyện tập khả năng tiếng Việt của mình.
 
VOA: Có rất nhiều bạn trẻ người Việt biết bạn qua video bạn hát bài Tình yêu tuyệt vời trên Youtube. Video đó cũng đã thu hút gần 250 ngàn lượt xem. Vậy bạn hát tiếng Việt như là một cách để học tiếng Việt, hay là vì bạn thích các bài hát tiếng Việt nên bạn học tiếng Việt?
 
Sam: Mình thích hát bài bằng tiếng Việt tại vì nó nghe hay. Học hát tiếng Việt là một trong những cách học tiếng Việt. Mình cũng có thể đọc báo, hay xem phim, hay nói chuyện với người Việt Nam.
 
VOA: Ở Mỹ, nhiều người chọn học tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Ý v..v.., vậy tại sao bạn lại chọn học tiếng Việt?
 
Sam: Mình đến Việt Nam thông qua một chương trình du học. Lúc đó mình đã phải học một lớp cơ bản, lớp tiếng Việt đơn giản, chẳng hạn như biết cách gọi món trong nhà hàng, hay biết cách hỏi nhà vệ sinh ở đâu chẳng hạn, những từ đơn giản. Nhưng sau khi mình học xong lớp đó thì mình khám phá rằng mình thích học và sau khi về Mỹ, mình đã tìm cách học trên mạng, và nói chuyện với bạn Việt Nam của mình.
 
VOA: Theo bạn, điều khó nhất và dễ nhất khi học tiếng Việt là gì?

Chàng trai Mỹ và 'tình yêu tuyệt vời' với tiếng ViệtSam: Khó nhất là có sự tự tin nói chuyện với người Việt Nam. Tại vì mình là người nước ngoài, không biết mình phát âm rõ hay không. Thế thì thỉnh thoảng mình không tự tin khi nói chuyện với người Việt Nam. Nhưng cái điều dễ nhất là trong tiếng Việt, mỗi chữ chỉ phát âm một kiểu thôi. Trong tiếng anh, một chữ có thể có nhiều cách phát âm. Còn trong tiếng Việt có một cách phát âm mỗi chữ thì có thể biết cách phát âm một từ như thế nào nếu biết cách đọc tiếng Việt. Mỗi chữ mỗi âm thanh đều có một kiểu nói thôi.
 
VOA: Từ nào khó phát âm nhất với bạn?
 
Sam: Chữ ng chẳng hạn như trong từ ngon, hay ngoan tại vì tiếng anh không có chữ đó.
 
VOA: Khi học một thứ tiếng nước ngoài, mình thường phải học bốn kĩ năng chính là nghe, nói, đọc, viết. Vậy bạn cảm thấy tự tin với kĩ năng nào nhất?
 
Sam: Tự tin nhất là nghe, thứ hai là nói, thứ ba là đọc, và thứ tư là viết.
 
VOA: Vậy chủ đề nào khiến bạn cảm thấy tự tin nhất khi nói hay trao đổi bằng tiếng Việt?
 
Sam: Thực ra khi ở Việt Nam, mình cũng tập võ. Thế thì khi nói chuyện về võ, mình nói thoải mái nhất. Tại vì mình cũng có kinh nghiệm ở Việt Nam, thế thì mình có thể nói tự nhiên hơn, dễ hiểu hơn.
 
VOA: Thời gian bạn ở Việt Nam lâu nhất là bao lâu?
 
Sam: Khoảng 7 tháng.
 
VOA: Trong thời gian đó chắc hẳn bạn cũng có tiếp xúc với nhiều nét văn hóa hay phong tục ở Việt Nam. Bạn cảm thấy điều gì là thú vị nhất hay làm bạn ngạc nhiên nhất?
 
Sam: Theo mình thì cái điều làm mình ngạc nhiên nhất là cái cách tham dự lễ cưới. Ở Việt Nam mình tham gia hai lễ cưới. Họ làm một cách rất là vui vẻ, và ăn những món ngon. Thế thì mình cảm thấy rất là ngạc nhiên nhưng mình cũng thích tại vì mình có thể được trải nghiệm một văn hóa khác nhau.
 
VOA: Bạn đã từng đi du lịch xuyên Việt chưa?
 
Sam: Mình có đi du lịch một chút. Mình làm tình nguyện viên một lúc nhưng chưa làm việc lâu dài ở Việt Nam.
 
VOA: Công việc tình nguyện mà bạn làm là gì?
 
Sam: Mình làm cho một tổ chức phi chính phủ của Mỹ có chi nhánh ở Việt Nam. Mình viết báo cáo về tình hình bệnh nhân ở những khu vực nông thôn tại Việt Nam. Những dự án họ làm là về lĩnh vực chăm sóc mắt cho trẻ em. Thế thì họ muốn mình viết một số bài case study (tạm dịch: nghiên cứu trường hợp) về những bệnh nhân, những câu chuyện về vì sao họ có thể được điều trị nếu như bị bệnh về mắt, ai được tài trợ, về trẻ em có thể được điều trị những bệnh về mắt.
 
VOA: Một câu chuyện hay trải nghiệm đáng nhớ mà bạn đã có trong thời gian làm tình nguyện là gì?
 
Sam: Cái tổ chức mà mình ở làm việc rất hiệu quả. Họ có dự án tại Huế, Quảng Ninh, Phú Thọ và một số nơi khác. Mình đến thăm chương trình ở Huế và cảm thấy họ làm một cách chuyên nghiệp lắm. Một phần của chương trình đó là một bác sĩ từ nước ngoài sang đào tạo bác sĩ Việt Nam về lĩnh vực chăm sóc mắt. Khi mình đến, cả hai bác sĩ nước ngoài đều bảo những học sinh tại đây đều muốn học cách điều trị bệnh tốt nhất và họ rất thích học. Họ khen rất là nhiều cái khả năng của những sinh viên.
 
VOA: Trong tương lai, bạn sẽ sử dụng vốn tiếng Việt mà bạn học như thế nào?
 
Sam: Mình nghĩ rằng mình sẽ cố gắng tìm việc làm tại Mỹ và dùng những khả năng mình đã học từ việc viết về trẻ em, tại vì mình đã phải đến một nơi và phỏng vấn những người Việt Nam bằng ngôn ngữ thứ hai của mình, tức là tiếng nước ngoài mình đang học. Thế thì mình không nói được bằng tiếng mẹ đẻ. Và mình vẫn phải phỏng vấn những bệnh nhân bằng tiếng Việt thì lúc đầu mình hơi sợ, nhưng dần dần mình thoải mái lên.
 
VOA: Bạn học tiếng Việt bao lâu rồi?
 
Sam: Mình học hơn hai năm.
 
VOA: Đối với những người nước ngoài khác mà cũng muốn học tiếng Việt như bạn, bạn sẽ khuyên họ điều gì?
 
Sam: Mình nghĩ điều tốt nhất là sau khi học đến mức độ giỏi thì học trong môi trường tiếng Việt thôi, tức là không có từ tiếng anh nào cả ở xung quanh. Có thể học nhanh hơn trong một môi trường không có từ tiếng anh, không nghe tiếng anh, đọc tiếng anh, hay xem phim bằng tiếng anh. Nếu chỉ nói tiếng Việt thôi thì khả năng của họ sẽ tăng lên rất là nhanh.
 
VOA: Bạn có thích đồ ăn Việt không?
 
Sam: Có, mình rất thích, tại vì ở Việt Nam có rất nhiều đặc sản rất là độc đáo mà mình không được ăn tại Mỹ. Chẳng hạn mình đã ăn thịt chuột và mình cảm thấy rất là ngon.
 
VOA: Lúc mà bạn đang ăn thịt chuột đó thì bạn có biết mình đang ăn thịt chuột không?
 
Sam: Không, sau khi mình biết mình đã tự nghĩ như thế này: Mình đã ăn rồi và thấy ngon, thế thì nếu mình bỏ đi, cái đó sẽ phí tại vì mình thích rồi. Thế là mình ăn tiếp.
 
VOA: Vậy tức là lúc bắt đầu ăn thì bạn không biết mình đang ăn thịt chuột, rồi đến lúc giữa bữa ăn bạn mới biết đó là thịt chuột?
 
Sam: Ừ, ừ đúng rồi.
 
VOA: Bạn ăn thịt chuột ở đâu?
 
Sam: Mình ăn ở đồng bằng sông Cửu Long.
 
VOA: Cám ơn Sam rất nhiều vì cuộc phỏng vấn, chúc vốn tiếng Việt của bạn sẽ ngày càng tốt hơn nữa và bạn sẽ thực hiện được những điều mà mình mong muốn.
 
Sam: Ừ, cám ơn nhé. Chào bạn nhé!

Theo: Đài tiếng nói Hoa Kỳ

Bạn cần biết thêm chi tiết? Vui lòng ĐẶT CÂU HỎI, hoặc liên lạc trực tiếp với chúng tôi qua hotline +84 (0) 909 39 69 99 để được tư vấn.