Luật Di Trú: I-601 Waiver
Tất cả những người làm đơn xin thị thực dù là thị thực để xin đi du lịch, du học, xin chiếu khán di dân, hoặc làm adjustment of status (tức là làm đơn xin thay đổi tình trạng di trú thành thường trú nhân) điều bị lệ thuộc vào Điều Luật 212 Inadmissibility Grounds (tức là điều luật cấm nhập cảnh). Đương đơn sẽ bị cấm nhập cảnh nếu có tiền án, khai gian, hoặc ở Hoa Kỳ bất hợp pháp trên 6 tháng.
Khi đương đơn bị lọt vào một trong những điều luật cấm nhập cảnh, thì
Sở Di Trú hoặc
Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ sẽ yêu cầu đương đơn nộp
mẫu đơn I-601 để xin miễn điều luật cấm nhập cảnh nếu đương đơn hội đủ điều kiện để xin miễn. Đương đơn hội đủ điều kiện để nộp đơn xin miễn điều luật cấm nhập cảnh không có nghĩa
Sở Di Trú sẻ chấp thuận đơn I-601 mà chỉ là
Sở Di Trú nhận hồ sơ để xét duyệt đơn I-601 có đáng được chấp thuận hay không.
Luật Di Trú: I-601 Waiver (Ảnh: minh họa)
Hồ sơ xin chiếu khán bị từ chối vì lý do khai gian hoặc gian lận để hưởng quyền lợi di trú chiếu theo điều luật 212(a)(6)(C) của bộ
luật di trú xảy ra cũng khá thường xuyên. Những trường hợp đó thường xảy ra khi đương đơn đã làm đơn trước đây xin chiếu khán di dân hoặc xin chiếu khán có giới hạn nhưng đã bị từ chối. Điển hình là đương đơn đã được người vị hôn phu vị hôn thê hoặc người phối ngẫu bảo lãnh nhưng hồ sơ bị Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ từ chối không cấp chiếu khán vì Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ không tin hoặc đương sự không chứng minh được sự liên hệ gia đình với người bảo lãnh. Vì hồ sơ kéo dài nhiều năm, một trong hai người nản chí không tiếp tục với hồ sơ thứ nhất đó nữa và hủy bỏ hồ sơ. Vài năm sau hồ sơ bảo lãnh anh chị em hoặc cha mẹ của đương đơn được đáo hạn hoặc đương đơn có người phối ngẫu mới bảo lãnh. Khi hồ sơ bảo lãnh thứ nhì được chuyển về
Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ để phỏng vấn, hồ sơ thứ nhì đó sẽ bị từ chối vì hồ sơ thứ nhất đã bị từ chối vì không chứng minh được sự liên hệ gia đình. Khi đương đơn không chứng minh được sự liên hệ gia đình với người bảo lãnh,
Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ sẽ cho là sự liên hệ gia đình đó là giả. Theo
Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ, khi đương đơn có cơ hội để khiếu nại hồ sơ bị từ chối mà đương đơn không khiếu nại thì
Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ cho rằng sự quyến định của họ là đúng và kết luận rằng đương đơn đã khai gian với lãnh sự.
Trong trường hợp du học có nhiều người không đủ tài chánh và được dịch vụ giúp làm giấy tờ giả để chứng minh có tài chánh và bị
Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ phát giác giấy tờ giả đó. Trong trường hợp du lịch có nhiều đương đơn còn độc thân thì dịch vụ khai là đương đơn có gia đình để có nhiều cơ hội được cấp chiếu khán. Khi
Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ phát giác là khai gian, hồ sơ xin thị thực sẽ bị từ chối. Sau này khi có hồ sơ bảo lãnh thân nhân, hồ sơ xin chiếu khán di dân sẽ bị từ chối. Nếu đương đơn được cấp chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ theo diện du lịch và sau khi nhập cảnh Hoa Kỳ kết hôn với người công dân Hoa Kỳ và làm hồ sơ thay đổi tình trạng di trú sang thành thường trú nhân,
Sở Di Trú sẽ từ chối nếu họ phát giác là đương đơn đã khai gian là có gia đình khi sự thật là đương đơn không có. Những trường hợp chúng tôi vừa trình bày là một vài thí dụ điển hình mà thôi.
Điểm chính đây là khi đương đơn có tiền án hoặc đã khai gian với chính quyền Hoa Kỳ thì chiếu khán sẽ bị từ chối vì đã bị lọt vào 1 trong những điều luật cấm nhập cảnh Hoa Kỳ.
LS. Darren Nguyễn Ngọc Chương - Người Việt Online