Luật Di Trú: Bảo lãnh thân nhân
Mẫu đơn I-130 là một mẫu đơn thông dụng nhất và là mẫu đơn dùng để làm đơn bảo lãnh cho thân nhân. Bảo lãnh theo diện thân nhân gồm có 2 loại. Loại thứ nhất là Immediate Relative và loại thứ hai là Family Based Preference.
1. Loại thứ nhất là Diện Immediate Relative là diện bảo lãnh cho Vợ, Chồng, Con, Cha hoặc Mẹ của công dân Hoa Kỳ, và diện này là diện bảo lãnh thân nhân mau nhất so với những diện bảo lãnh thân nhân khác.
2. Loại thứ hai là Family Based Preference được chia ra làm 5 Preferences (tức là 5 ưu tiên).
-
Ưu tiên 1 được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa có gia đình của công dân Hoa Kỳ.
-
Ưu tiên 2A được dành cho Vợ, Chồng, hoặc Con cái dưới 21 tuổi của thường trú nhân.
-
Ưu tiên 2B được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa có gia đình của thường trú nhân.
-
Ưu tiên 3 được dành cho những người con đã có gia đình của công dân Hoa Kỳ.
-
Ưu tiên 4 được dành cho Anh, Chị hoặc Em của công dân Hoa Kỳ.
Bảo lãnh thân nhân được chia ra làm hai phần (đoạn).
-
Phần thứ nhất là nộp đơn I-130 cùng với những dự kiện cần thiết đến Sở Di Trú. Sở Di Trú chỉ xem xét hồ sơ có hội đủ dự kiện chứng minh sự liên hệ gia đình để được bảo lãnh hay không. Ðơn I-130 được chấp thuận không có nghĩa là “người thừa hưởng” được cấp chiếu khán. Ðơn I-130 được chấp thuận có nghĩa là những dự kiện nộp vào chứng minh rằng “người thừa hưởng” là thân nhân được định nghĩa dưới những điều luật di trú và họ có thể làm đơn xin chiếu khán di dân.
-
Phần thứ hai là sau khi đơn I-130 được chấp thuận, hồ sơ được chuyển qua cho Lãnh Sự Hoa Kỳ để giải quyết cấp chiếu khán. Sự việc của Lãnh Sự Hoa Kỳ là xem xét sự liên hệ gia đình có thật sự như đã trình bày theo giấy tờ và “người thừa hưởng” có lọt vào một trong những điều luật cấm nhập cảnh hay không. Nếu bị lọt vào một trong những điều luật cấm nhập cảnh, hồ sơ xin chiếu khán sẽ bị từ chối ngoại trừ hội đủ điều kiện miễn trừ.
Khi nộp đơn I-130 vào
Sở Di Trú, đơn I-130 phải được kèm theo những dự kiện để chứng minh sự liên hệ gia đình. Những giấy tờ cần thiết thứ nhất là khai sanh của “người thừa hưởng.” Dù rằng khai sanh không cần thiết để chứng minh sự liên hệ gia đình.
Sở Di Trú muốn khai sanh của “người thừa hưởng” để
Sở Di Trú biết rõ thân thế của “người thừa hưởng.” Ðiển hình là bảo lãnh theo diện phối ngẫu, khai sanh của người thừa hưởng không cần thiết để chứng minh sự liên hệ vợ chồng của hai người, nhưng khai sanh của “người thừa hưởng” phải được nộp chung với đơn I-130 vì
Sở Di Trú muốn biết thân thế của “người thừa hưởng.”
Giấy tờ cần thiết thứ nhì là bằng quốc tịch Hoa Kỳ, hộ chiếu Hoa Kỳ hoặc thẻ xanh của “người bảo lãnh.”
Những giấy tờ đó dùng để chứng minh “người bảo lãnh” là công dân Hoa Kỳ hoặc thường trú nhân. Vì chỉ có công dân Hoa Kỳ hoặc thường trú nhân mới được bảo lãnh cho thân nhân.
Giấy tờ cần thiết thứ ba là khai sanh và hôn thú. Vấn đề này hơi phức tạp vì
luật di trú có phân tích vấn đề liên hệ Cha Con mà không phân tích vấn đề liên hệ Mẹ Con.
Trong trường hợp bảo lãnh cho Anh Chị Em cùng Mẹ (hoặc cùng Cha và Mẹ) thì phải có khai sanh của “người bảo lãnh” và “người thừa hưởng.” Khai sanh của hai người sẽ được dùng để chứng minh rằng hai người có cùng một người Mẹ. Trong trường hợp cùng Mẹ khác Cha, giấy tờ chứng minh sự liên hệ gia đình cũng chỉ cần khai sanh của “người bảo lãnh” và “người thừa hưởng.”
Nguyễn Ngọc Chương - Người Việt Online
Xem tiếp: