Làm sao thuyết phục Sở Di Trú tái chấp thuận đơn bảo lãnh ?
Nếu hồ sơ bảo lãnh diện vợ-chồng hoặc diện hôn phu-hôn thê (fiancée) không được chấp thuận trong cuộc phỏng vấn chiếu khán (visa), Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ thường yêu cầu đương đơn nộp một bản Tường Trình Quan Hệ và cũng có thể yêu cầu nộp thêm những bằng chứng quan hệ. Sau khi những giấy tờ yêu cầu được nộp, nếu Tòa Lãnh sự vẫn chưa được thuyết phục rằng mối quan hệ là chân thật, đơn bảo lãnh sẽ bị trả về
Sở di trú tại Hoa Kỳ để duyệt xét lại và có thể bị hủy bỏ.
Nếu đơn bảo lãnh bị trả về
Sở di trú Hoa Kỳ, thời gian chờ đợi sẽ rất lâu để được tái duyệt xét và liên lạc với người bảo lãnh yêu cầu giải thích và bổ sung bằng chứng. Thời gian chờ đợi có thể là một năm hoặc lâu hơn.
Vấn đề trở ngại với những hồ sơ bị từ chối sẽ được Sở di trú duyệt xét là họ chỉ dựa hoàn toàn vào những gì Tòa Lãnh sự nói với họ. Họ không hề có bất cứ kiến thức nào về những điều kiện sinh sống ở Việt Nam và không thể thẩm định nếu những lý do từ chối của Lãnh sự có giá trị hay không.
Làm sao thuyết phục Sở Di Trú tái chấp thuận đơn bảo lãnh ?(Ảnh: minh họa - Nguồn: viettribune)
Tương tự, nếu một nhân viên Lãnh sự ở Sài Gòn muốn từ chối một hồ sơ, họ chỉ cần đưa ra một vài thí dụ mà đương đơn không biết vào lúc phỏng vấn. Sở di trú có thể chấp nhận những gì Lãnh sự nói nhưng trong nhiều hồ sơ, lý do từ chối của Lãnh sự không hợp lý chút nào. Thí dụ, Lãnh sự có thể nói với Sở di trú rằng đương đơn không thể mô tả nơi mà người bảo lãnh sinh sống ở Hoa Kỳ, hoặc không thể kể tên những người bạn hoặc người chủ của người bảo lãnh.
Hoặc, Lãnh sự có thể nói với
Sở di trú rằng tiệc đính hôn của hai người này quá nhỏ, hoặc đương dơn không biết chi tiết về đời sống của người bảo lãnh ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như người chồng thích ăn gì, tên của những chương trình TV mà chồng ưa thích, tên những nơi chồng thường đi khi rảnh rỗi. Hoặc Lãnh sự có thể nói rằng bằng chứng hình ảnh cho thấy hai người chỉ sống gần nhau có vài ngày ở Việt Nam.
Vì thế, khi Sở di trú liên lạc với người bảo lãnh và nói rằng họ dự tính hủy bỏ đơn bảo lãnh, người bảo lãnh phải có thể cung cấp thêm những bằng chứng quan hệ và giải thích tại sao lý do từ chối của Lãnh sự không có giá trị.
Thí dụ, người bảo lãnh cần giải thích rằng đương đơn chưa hề ở Hoa Kỳ và không cách nào người vợ có thể mô tả một thành phố chưa hề nhìn thấy. Và người bảo lãnh phải giải thích rằng những tiệc đính hôn và tiệc cưới lớn không còn là truyền thống của những cặp vợ chồng hiện nay. Và nếu Sở di trú Hoa Kỳ yêu cầu nộp chứng minh những nguồn tài chánh có chung tên của hai người, người bảo lãnh phải giải thích rằng người vợ hoặc hôn thê sống ở Việt Nam, không phải là thường trú nhân ở Hoa Kỳ, vì thế tên của họ không thể có trong những chương mục ngân hàng hoặc thẻ tín dụng, hoặc trong những hồ sơ bảo hiểm, hay có bất cứ bằng chứng bình thường khác của hai người sống chung với nhau ở Hoa Kỳ.
Bất cứ những phản hồi nào liên quan đến giấy thông báo của
Sở di trú Hoa Kỳ có Dự Tính Hủy Bỏ đơn bảo lãnh phải dựa trên dữ kiện, chứ không dựa trên những yếu tố tình cảm, đừng yêu cầu Sở di trú "thông cảm". Nhân viên di trú không có quyền chấp thuận một hồ sơ vì những giòng chữ khiếu nại dựa trên tình cảm. Họ cần những lý do hợp lý và những bằng chứng tốt để có thể tái chấp thuận đơn bảo lãnh.
Có cách nào để thoát khỏi tình trạng chờ đợi mệt mỏi như vậy không? Có. Vào ngày 5 tháng Ba năm 2014 vừa qua, trong ngày Đón Khách Đặc Biệt tại Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn, Trưởng phòng Chiếu Khán Di Dân nói rằng nếu người bảo lãnh hủy bỏ hoặc từ bỏ đơn bảo lãnh đầu tiên và nộp đơn mới, Tòa Lãnh sự sẽ duyệt xét đơn bảo lãnh mới một cách vô tư. Nói cách khác, họ sẽ duyệt xét đơn bảo lãnh mới mà không bị ảnh hưởng bởi hồ sơ bảo lãnh bị từ chối trước đây.
baocalitoday