Removal of The Condition (Thẻ Xanh 10 Năm - Mẫu Ðơn I-751) - P3
“Người thừa hưởng” không thể nào làm
đơn I-751 chung với “người bảo lãnh” nếu hôn nhân đã bị hủy bỏ, “người bảo lãnh” đã qua đời, hoặc “người bảo lãnh” không chịu hợp tác (tức là không chịu ký chung đơn I-751 hoặc không chịu đi phỏng vấn chung với “người thừa hưởng”). Nếu hai người đã ly thân, hai người vẫn có thể làm đơn I-751 chung với nhau và hồ sơ vẫn có thể được chấp thuận. Vì ly thân không có nghĩa là hôn thú đã bị tòa hủy bỏ.
Trong trường hợp “người thừa hưởng” không thể nào làm đơn I-751 chung với “người bảo lãnh,” “người thừa hưởng” có thể tự mình làm đơn I-751 và xin miễn sự đòi hỏi phải làm chung với “người bảo lãnh.” Sự yêu cầu xin miễn có thể dựa vào một trong ba điều luật miễn trừ.
Ba điều luật miễn trừ là:
-
“Người thừa hưởng” sẽ bị extreme hardship (tức là gian khổ cùng cực) nếu bị trục xuất.
-
“Người thừa hưởng” thật tình đi vào hôn nhân, và hôn nhân đã bị bãi bỏ.
-
“Người thừa hưởng” đi vào hôn nhân chân thật, và trong thời gian hôn nhân, “người thừa hưởng” hoặc con của “người thừa hưởng” bị bạo hành bởi “người bảo lãnh.”
Ðiều luật miễn trừ thứ nhất - vì gian khổ cùng cực:
Sở Di Trú chỉ được xem xét sự gian khổ cùng cực có thể xảy ra nếu “người thừa hưởng” không được phép ở lại Hoa Kỳ. Sự gian khổ cùng cực này có thể xảy ra cho “người thừa hưởng,” con của “người thừa hưởng” hoặc người phối ngẫu sau này của “người thừa hưởng.”
Sở Di Trú chỉ được xem xét những trường hợp gian khổ cùng cực sau khi “người thừa hưởng” được sự thường trú. Sự chia cách gia đình hoặc khó khăn tài chánh mà thôi không đủ để chứng minh sự gian khổ cùng cực để được miễn. Vì với bất cứ trường hợp trục xuất nào xảy ra cho bất cứ người nào, đều bị phần nào sự khó nhọc khổ cực, và sự khó nhọc khổ cực đó không đủ để xin miễn nộp
đơn I-751 chung với “người bảo lãnh.” “Người thừa hưởng” phải chứng minh rằng sự khó nhọc khổ cực của mình đặc biệt hơn những trường hợp khác.
Ðiều luật miễn trừ thứ nhì - thật tình đi vào hôn nhân và hôn nhân đã được bãi bỏ:
Trước khi
Ðạo Luật Di Trú năm 1990 ban hành, điều luật miễn trừ có sự đòi hỏi ly dị phải có lý do chính đáng và “người thừa hưởng” phải là người đưa đơn ly dị. Nhưng sau khi
Ðạo Luật Di Trú năm 1990 ban hành, những điều kiện đó được loại trừ. “Người thừa hưởng” hoặc “người bảo lãnh” đưa đơn ly dị đều không có ảnh hưởng xấu cho hồ sơ xin miễn trừ. Người thừa hưởng phải chứng minh họ đi vào cuộc hôn nhân với ý định chân thành.
Sở Di Trú sẽ nhìn vào sự cam kết của hai người bằng cách xem xét các tài liệu, xem xét những bằng chứng về tài chánh khi hai người còn sống chung với nhau, thời gian hai người chung sống sau khi lập hôn thú và thời gian sau khi hồ sơ thẻ xanh 2 năm được chấp thuận, và bao lâu sau họ mới ly dị hoặc ly thân; hoặc với bất cứ bằng chứng nào khác. “Người thừa hưởng” phải chứng minh họ đã ly dị hoặc hôn thú đã bị tòa hủy bỏ.
Ðiều luật miễn trừ thứ ba - sự bạo hành của “người bảo lãnh”:
“Người thừa hưởng” phải chứng minh rằng hôn nhân là chân thật và “người thừa hưởng” hoặc con của họ bị “người bảo lãnh” bạo hành. Ðiều luật này không có sự đòi hỏi là hai vợ chồng đã ly dị.
Sở Di Trú đã minh định rằng sự miễn trừ này dành cho những nạn nhân của “người bảo lãnh” của bất cứ sự hăm dọa nào có tính cách hành hung. Những sự bạo hành về tâm thần hoặc lạm dụng tình dục, hãm hiếp, bị áp bức làm việc mãi dâm sẽ được coi là bạo hành.
Sở Di Trú sẽ chấp nhận bất cứ bằng chứng nào có thể chứng minh sự bạo hành đó. Những chứng minh đó bao gồm có bản báo cáo của bác sĩ hoặc người chuyên môn về tâm thần.
Nếu quí vị bị rơi vào những tình cảnh như tôi đã trình bày trên, quí vị nên liên lạc với một luật sư chuyên nghiệp về di trú, để vị luật sư đó thấu hiểu hết những uẩn khúc, những khúc mắc của luật miễn trừ, hầu giúp quí vị thu thập đầy đủ tài liệu, bằng chứng cụ thể cần thiết, để giúp quí vị hội đủ điều kiện xin miễn làm
đơn I-751 chung với “người bảo lãnh” và xin
thẻ xanh 10 năm.
LS. Nguyễn Ngọc Chương - Người Việt Online