U.S. Investment
CÔNG TY ĐẦU TƯ MỸ - USI
Công ty TNHH Đầu Tư Mỹ
Hotline: 0909 39 69 99

Tin tức

Tin tức

FATCA: Mặt trái của “tấm thẻ xanh mỹ”

Thẻ xanh mỹ - Trong một thế giới khủng hoảng và suy thoái vẫn còn là ám ảnh, áp lực đóng thuế tới 30% thu nhập không phải con số nhỏ, đặc biệt nếu áp trên những khoản tiền lớn.
 
Nếu trước đây trong Hai Số phận- cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Jeffrey Archer, Mỹ là “đất nước duy nhất trên thế giới anh có thể đến mà trong tay không có gì và trở thành triệu phú nếu làm việc vất vả, không kể quá khứ của anh là như thế nào”, và hàng triệu người trên khắp thế giới vẫn khao khát được đến Hoa Kỳ để sở hữu “tấm thẻ xanh mỹ” của Hợp Chủng Quốc - cường quốc số 1 thế giới… Thì bây giờ câu chuyện đã khác, hàng ngàn công dân Hợp Chủng Quốc đang làm thủ tục trả lại “thẻ xanh” và từ bỏ quốc tịch của mình. Thậm chí, xu hướng này đang có chiều gia tăng trong những năm gần đây.
 
Vậy rốt cuộc, “tấm thẻ xanh” có mặt trái gì khiến những công dân Mỹ phải từ bỏ đất mẹ của mình?
 

Duy nhất trên thế giới

Người ta không thể phủ nhận những đặc quyền mà một công dân Mỹ có được. Là một công dân Hợp Chủng Quốc và mang sổ thông hành Hoa Kỳ tức là bạn có những "quyền năng" của một loại "công dân thế giới", không chỉ để du lịch đến khoảng 160 quốc gia một cách dễ dàng, mà còn được đặc hưởng những sự bảo vệ đầy trách nhiệm của chính phủ.
 
Nhưng là công dân Mỹ, đồng nghĩa với việc là công dân duy nhất trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) phải nộp thuế cho Chính phủ Mỹ cho dù họ có cư trú ở đâu. Ở các quốc gia khác, công dân nước họ cư trú tại nước ngoài chỉ phải đóng thuế cho nước sở tại, thì duy nhất ở Mỹ, công dân Mỹ cư trú tại nước ngoài bên cạnh thuế đóng cho nước sở tại, sẽ phải chịu thêm một khoản thuế đóng ngược lại Mỹ, có thể lên tới 30% thu nhập. Không những vậy, các tài khoản cá nhân sở hữu tại nước ngoài cũng chịu sự kiểm tra của chính phủ và sở thuế. Đến độ câu cửa miệng quen thuộc của người Mỹ có đại ý là: trên đời có 2 thứ chắc chắn là bạn sẽ chết và phải nộp thuế!
 

Mỹ - hiện vẫn đang là cường quốc số một thế giới về kinh tế và cũng là nước có nhiều doanh nghiệp trốn thuế nhất!
 

Thẻ xanh Mỹ - FATCA: Mặt trái của “tấm thẻ xanh”

Xuất phát từ thực tế trên, ngày 18 tháng 3 năm 2010, Luật về tuân thủ Thuế đối với tài khoản nước ngoài, gọi tắt là FATCA (Foreign Account Tax Compliance Act) được Chính phủ Mỹ chính thức ban hành. FATCA ra đời sau hàng loạt câu chuyện về việc các nhà băng giúp khách hàng trốn thuế, điển hình trường hợp của UBS- Thụy Sĩ, hồi năm 2009, ngân hàng này đã phải chịu phạt đến 890 triệu USD và phải cung cấp cho Mỹ hồ sơ tài chính gần năm ngàn các tài khoản bảo mật được mở tại đây.
 
Sau hơn 3 năm kể từ ngày chính thức được ban hành, tầm ảnh hưởng của đạo luật tới tất cả các ngân hàng, công ty đầu tư và bảo hiểm trên toàn cầu mạnh mẽ tới mức việc thực thi nó tưởng chừng đã bị hoãn lại. Nhưng dù muốn hay không, tới thời điểm cuối 2013, doanh nghiệp vẫn buộc phải chuẩn bị hoàn tất các hồ sơ về FATCA.
 
Luật này có vẻ sẽ khiến các tổ chức tài chính nước ngoài - FFI (Foreign Financial Insitutions) - “làm phiền” khách hàng nhiều hơn nữa khi họ buộc phải thực hiện soát xét các chủ tài khoản và các nhà đầu tư của mình để xác định xem tài khoản của họ có phải là “tài khoản” Hoa Kỳ không.
 
Ngoài ra, các FFI sẽ phải đối mặt với việc lựa chọn có ký kết thỏa thuận với Sở thuế vụ Hoa Kỳ- IRS (Internal Revenue Service), xác định và báo cáo lên IRS các thông tin trực tiếp và gián tiếp về các chủ tài khoản Hoa Kỳ hay không, hay chịu áp mức thuế khấu trừ 30% đối với tất cả các khoản thu nhập trực tiếp hay gián tiếp từ Hoa Kỳ.
 
Mức thuế khấu trừ tương tự cũng được áp dụng đối với các đối tượng là các chủ tài khoản ngoan cố (nghĩa là các chủ tài khoản hoặc khách hàng không tuân thủ các yêu cầu hợp lý về cung cấp thông tin của các FFI tuân thủ) với mục đích khuyến khích phối hợp thực hiện.
 
FFI có thể lựa chọn một trong hai mô hình báo cáo tới IRS, đó là mô hình tương hỗ và không tương hỗ. Dạng mô hình tương hỗ cho phép các FFI báo cáo lên cơ quan chính phủ của nước sở tại trước, sau đó báo cáo lên IRS. Dạng mô hình không tương hỗ cho phép các FFI báo cáo trực tiếp lên IRS.
 
Thẻ xanh Mỹ - Visa EB5 - FATCA: Mặt trái của “tấm thẻ xanh”
Bộ Tài chính Mỹ đang tiến hành đàm phán với ít nhất 40 quốc gia về thỏa thuận chia sẻ thông tin thuế theo FATCA. Gần đây, OCED cũng tuyên bố rằng, Tổ chức này hoan nghênh sự hợp tác giữa Mỹ và các nước tiên phong tuân thủ FATCA.
 
2013, Mỹ vẫn là “đất nước duy nhất trên thế giới anh có thể đến mà trong tay không có gì và trở thành triệu phú nếu làm việc vất vả, không kể quá khứ của anh là như thế nào”. Nhưng có lẽ sẽ nhiều người muốn bổ sung rằng: 2013, Mỹ còn là một đất nước duy nhất trên thế giới mà nếu anh là người Mỹ và có tài khoản từ 50,000 USD trở lên ở nước ngoài, anh sẽ có thể phải đóng thuế, không kể anh cư trú ở đâu!
 

30%, 100 triệu đô và độc quyền

Trong một thế giới khủng hoảng và suy thoái vẫn còn là ám ảnh, áp lực đóng thuế tới 30% thu nhập không phải con số nhỏ, đặc biệt nếu áp trên những khoản tiền lớn. Tỉ phú Eduardo Saverin, đồng sáng lập Facebook, đã chọn Singapore, quốc gia không thu thuế trên lợi nhuận từ đầu tư để cư ngụ, trước khi Facebook được đưa ra niêm yết tại Wall Street. Tài tử Lý Liên Kiệt (Jet Lee) cũng đã trở thành công dân Singapore, dù trước đó từng giữ quốc tịch Trung Hoa và Hoa Kỳ.
 
Theo Financial Times, Cindy, một chuyên gia hóa chất, sau 30 năm làm việc ở Đức và chỉ nộp thuế cho nước sở tại, đã phải nộp phạt cho cơ quan thuế của Mỹ một khoản 42.000USD, tương đương 8 tháng thu nhập sau thuế. “Tôi đã mất quyền lợi khi là người Mỹ”, bà nói sau 3 tháng từ bỏ quốc tịch.
 
Thống kê của Bloomberg chỉ ra, trong năm 2011, đã có khoảng 1.780 người Mỹ sống ở nước ngoài đến các đại sứ quán Mỹ xin từ bỏ quốc tịch trong năm 2011, từ mức 235 người trong năm 2007. Cũng riêng trong vòng tháng 1 năm 2013 ,số khách hàng muốn biết thêm chi tiết vể việc từ bỏ quốc tịch Mỹ gia tăng 48%, so với tháng giêng 2012, theo số liệu của deVere Group, công ty dịch vụ tài chính chuyên về di trú.
Thẻ xanh Mỹ - FATCA: Mặt trái của tấm thẻ xanh có thể bạn chưa biết
100 triệu USD được ước tính là khoản mất mát của Ngân khố quốc gia từ việc những cá nhân Mỹ trốn thuế bằng cách “tuồn” tài sản của họ ra nước ngoài; bằng giá trị IPO của đại gia công nghệ Facebook lúc lên sàn; lớn hơn GDP 2012 của “ngôi sao đang lên” Myanmar…
 
Với lý do gì chăng nữa thì FATCA có ảnh hưởng ít nhiều đến khoảng 6 triệu công dân Mỹ đang sống khắp nơi trên thế giới, đặc biệt tại Thụy Sĩ. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các công dân Mỹ đang sống tại đây có tỉ lệ từ bỏ quốc tịch cao nhất, đến độ Đại sứ quán Mỹ tại Bern, thủ đô Thụy Sĩ phải tăng thêm nhân viên giải quyết các hồ sơ bỏ quốc tịch đang ứ đọng.
 
Nhưng muốn từ bỏ thẻ xanh Mỹ cũng không dễ dàng dù một buổi lễ từ bỏ quốc tịch Mỹ chỉ kéo dài 10 phút. Người từ bỏ quốc tịch sẽ phải trả một khoản phí 450 USD và phải đóng một thứ thuế gọi là “Thuế Ra”( Exit Tax) nếu tài sản vượt quá 2 triệu USD hoặc mức thuế trung bình mà họ phải nộp cho thuế vụ Mỹ mỗi năm vượt 151.000 USD trong 5 năm qua.
 
Cá nhân có thể không quá khó khăn để từ bỏ tấm thẻ xanh, nhưng với các định chế tài chính quốc tế, không tuân thủ FATCA, đồng nghĩa có thể bị buộc phải rời khỏi thị trường tài chính Mỹ, hoặc không được đầu tư vào các tài sản của Mỹ- nơi vẫn là trung tâm tài chính số một thế giới, thực là điều không tưởng.
 
Tại Việt Nam, một số chi nhánh, văn phòng đại diện của các tổ chức tài chính nước ngoài đã bắt đầu các dự án tuân thủ FATCA toàn cầu. Đánh đổi việc thêm thủ tục và thậm chí phải điều tra khách hàng để báo cáo lên IRS, nhưng bài học của HSBC, Standard Chartered… và trước đó là UBS, những ngân hàng “ngoài Mỹ” đã phải hứng chịu khi đương đầu với chính phủ Mỹ khiến họ không có lựa chọn nào khác.
 
Mỹ vẫn rao giảng các học thuyết về cạnh tranh công bằng và truyền thông về mình như một quốc gia tự do, một địa chỉ hấp dẫn để kinh doanh, trái phiếu Mỹ vẫn là trái phiếu được sở hữu nhiều nhất thế giới, USD vẫn là đồng tiền mạnh số 1 thế giới, bất chấp những khủng hoảng và thâm hụt ngân sách trầm trọng… Nhưng FATCA, những câu chuyện về thuế sách, bảo hộ mậu dịch nội địa… nhiều người sẽ nhận thấy khái niệm “độc quyền” hiện hữu ở đây nhiều hơn!
 
Một quốc gia giàu có không hẳn phải là “đại công xưởng thế giới” hay giàu có về tài nguyên, nhân lực… Điều đơn giản trước tiên có thể học từ Mỹ là: quản lý chặt chẽ tài sản của mình và tận dụng tất cả các cơ hội để có nguồn thu ngân sách trước khi nghĩ tới việc chi!

Theo: ttvn


Bạn cần biết thêm chi tiết? Vui lòng ĐẶT CÂU HỎI, hoặc liên lạc trực tiếp với chúng tôi qua hotline +84 (0) 909 39 69 99 để được tư vấn.