U.S. Investment
CÔNG TY ĐẦU TƯ MỸ - USI
Công ty TNHH Đầu Tư Mỹ
Hotline: 0909 39 69 99

Tin tức

Tin tức

Nổi danh làng y khoa Mỹ

Đầu tư mỹ - Như nhiều lĩnh vực khác, ngành y khoa tại Mỹ cũng lưu dấu không ít thành công của những nhân tài gốc Việt.
 
Theo một số liệu thống kê của cộng đồng người Việt tại hải ngoại, có không dưới 4.000 bác sĩ gốc Việt đang hành nghề tại Mỹ. Trong đó, ông Nguyễn Xuân Nam (54 tuổi) được biết đến như một bác sĩ lừng danh nước Mỹ. Nhận xét này chẳng hề quá lời khi ông Nam từng được trường y khoa của Đại học Harvard xếp vào nhóm bác sĩ giỏi nhất Mỹ, theo trang mạng về bệnh viện nhi tại thành phố Los Angeles của nước này. Không chỉ là bác sĩ hàng đầu tại Bệnh viện Nhi đồng Los Angeles, ông Nam từng đảm đương nhiều nhiệm vụ quan trọng tại khoa Y của Đại học California - Irvine (Mỹ).
 
Định cư mỹ - Nổi danh làng y khoa Mỹ
(1) Giáo sư Nguyễn Hữu Xương. (2) Giáo sư Đặng Văn Chi. (3) Phó giáo sư Nguyễn Thục Quyên
Ảnh: Adsc-xray.com, wn., ucsd.edu

Một tên tuổi Việt khác cũng rất nổi tiếng trong giới y khoa Mỹ là Giáo sư Đặng Văn Chi, Phó trưởng khoa Y tại Đại học Johns Hopkins. Là con trai của Giáo sư Đặng Văn Chiếu (Hiệu trưởng Đại học Y khoa Sài Gòn), ông Chi rời Việt Nam năm 1967 để đi học tại Mỹ. Thời gian đầu ông sinh sống ở bang Michigan và không ngừng nỗ lực học tập nên đạt kết quả tốt nghiệp xuất sắc của Đại học Michigan, rồi nhận bằng tiến sĩ hóa học của Đại học Georgetown trước khi học tiếp ngành y tại Đại học Johns Hopkins. Sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục ở lại tham gia nghiên cứu và nhanh chóng chứng minh khả năng ưu việt trong ngành y khoa. Ông được đánh giá như một bác sĩ hàng đầu về ung thư tại Mỹ, với hơn 160 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí y khoa danh tiếng thế giới, theo trang mạng của ĐH Johns Hopkins. Giáo sư Chi cũng từng trực tiếp hướng dẫn cho 12 nghiên cứu sinh tiến sĩ và 26 nghiên cứu sinh sau tiến sĩ.
 
Liên quan đến chữa trị ung thư, Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thục Quyên, thuộc khoa phẫu thuật đầu và cổ của Trường UCSD (University of California - San Diego), cũng để lại dấu ấn nổi bật trong ngành y. Lâu nay, một trong những khó khăn trong chữa trị ung thư là khó xác định chính xác vị trí các tế bào ung thư. Theo chuyên trang khoa học Sciencedaily.com, tiến sĩ Quyên đã nghiên cứu ra phương pháp tiêm một loại chất đặc biệt để các tế bào ung thư phát quang, giúp xác định chính xác vị trí để chữa trị. Đến nay, tiến sĩ Quyên đã đạt nhiều thành công trong việc thử nghiệm phương pháp này và sắp công bố chính thức trên một ấn phẩm chuyên ngành y khoa. Thành tựu của tiến sĩ Quyên được đánh giá như một bước ngoặt quan trọng đối với ngành y khoa thế giới.
 
Nhà phát minh tiên phong
 
Đó là chưa kể đến nhiều chuyên gia gốc Việt đang nghiên cứu trong lĩnh vực y khoa mà không trực tiếp hành nghề bác sĩ. Họ không ngừng nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu khiến các đồng nghiệp quốc tế nể trọng.
 
Một trong số đó phải kể đến Giáo sư Nguyễn Hữu Xương (80 tuổi), người không hành nghề y nhưng lại có những đóng góp to lớn cho lĩnh vực y khoa thông qua các lĩnh vực ông nghiên cứu gồm: vật lý y sinh và hóa học. Ngay từ sớm, ông học tập tại những trường danh tiếng toàn cầu, theo tư liệu từ Trường UCSD (University of California - San Diego) của Mỹ. Năm 1957, ông nhận bằng thạc sĩ ngành kỹ thuật điện tử của Trường Ecole Superieure d'Electricite (còn gọi là Supelec) ở Paris, Pháp. Một năm sau, ông được trao thêm bằng thạc sĩ toán học của Đại học Sorbonne danh tiếng ở Pháp. Đến năm 1962, ông nhận học vị tiến sĩ của Đại học California ở Berkeley (Mỹ). Sau đó, ông bắt đầu tham gia nghiên cứu tại UCSD và giành được không ít giải thưởng, học bổng danh giá như: UCSD Chancellor Associate Award, Union of Pacific Asian Award, NATO Senior Fellowship, Guggenheim Fellowship… Năm 1964, ông trở thành giáo sư của UCSD ở tuổi 31. Kể từ đây, Giáo sư Xương là một nhà tiên phong trong lĩnh vực tinh thể học tia X. Lĩnh vực này tập trung nghiên cứu các vấn đề liên quan đến cấu trúc nguyên tử bên trong tinh thể nhờ những phân tích thông qua việc chiếu xạ tia X. Những thành tựu đạt được từ đó hỗ trợ đắc lực cho ngành y khoa.
 
Vào năm 1975, Giáo sư Xương tạo ra bước ngoặt mới trong ngành khi phát minh ra “máy quang tuyến Xương" ("Xuong’s X-Ray Machine”) hay còn gọi là “máy Xương”, mang tên ông. Thiết bị này cho phép tập hợp nhanh dữ liệu liên quan đến tế bào. Hiện nay, “máy Xương” là một trong các công cụ quan trọng phục vụ chữa trị ung thư và cả HIV.
 
Dù đã ở tuổi 80, ông vẫn tiếp tục hành trình không mệt mỏi trong lĩnh vực nghiên cứu cấu trúc protein cũng như các vấn đề liên quan đến tinh thể học tia X. Đối với UCSD, Giáo sư Nguyễn Hữu Xương là một trong những chuyên gia hàng đầu, niềm tự hào của đại học này.  

Theo: Thanh Niên

Bạn cần biết thêm chi tiết? Vui lòng ĐẶT CÂU HỎI, hoặc liên lạc trực tiếp với chúng tôi qua hotline +84 (0) 909 39 69 99 để được tư vấn.