Khai thác tiềm năng thị trường Mỹ Latinh
Đầu tư mỹ - Hiện nay Việt Nam đã có quan hệ thương mại với tất cả các
nước Mỹ Latinh, giá trị kim ngạch hai chiều đạt gần 5,5 tỷ USD. Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu sang khu vực thị trường này đạt trên 6 tỷ USD vào năm 2015 và từ 12 tỷ đến 15 tỷ USD vào năm 2020.
Ông Trần Duy Đông, Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 33 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Mỹ Latinh.
Từ xuất phát điểm vài chục triệu USD vào năm 1990, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực này đã đạt 245 triệu USD vào năm 2000 và tăng lên trên 5,5 tỷ USD năm 2012, chiếm gần 3% tổng kim ngạch XNK của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 2,68 tỷ USD, nhập khẩu đạt 2,82 tỷ USD. Xét trên bình diện toàn khu vực, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ Latinh tương đối cân bằng.
Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ Latinh hiện tập trung vào những mặt hàng tiêu dùng như giày dép, ba lô, túi xách, nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, thiết bị, điện tử, đồ gỗ. Các mặt hàng có triển vọng xuất khẩu thời gian tới, bao gồm: điện - điện tử, cơ khí, động cơ điện, thiết bị máy móc. Hàng thủy sản như cá tra, basa đã đi vào thị trường Brazil, Chile, Colombia, Ecuador, Mexico... và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Dự báo, xu thế tăng trưởng thương mại vẫn tiếp tục được duy trì và cải thiện đáng kể trong những năm tới nhờ việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại song phương. Bởi các
nước Mỹ Latinh có thị trường nội địa rộng lớn lại đa dạng hóa thị trường đầu ra, nhất là tăng cường quan hệ kinh tế với khu vực châu Á.
Chủ trương của Chính phủ Việt Nam là tăng cường quan hệ thương mại song phương với các nước khu vực này. Mục tiêu lâu dài là nhiều hàng hóa mới và truyền thống của Việt Nam sẽ có mặt ở khắp thị trường Mỹ Latinh. Cụ thể là kim ngạch xuất khẩu sang khu vực thị trường này đạt trên 6 tỷ USD vào năm 2015 và từ 12 tỷ đến 15 tỷ USD vào năm 2020.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khu vực này, các doanh nghiệp cần vượt qua những thách thức. Đó là, khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh quá xa xôi tới nửa vòng trái đất gây trở ngại lớn trong vận chuyển hàng hóa, làm tăng thêm chi phí và thời gian vận tải, làm cho giá cả hàng hóa xuất khẩu tăng lên…
Để thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh thì việc thực hiện những thỏa thuận đã ký kết như một số hiệp định thương mại tự do FTA và tăng số hiệp định thương mại song phương với các nước có tiềm năng lớn là một giải pháp cần được thúc đẩy.
Ví dụ như FTA Việt Nam - Chile đã được Chính phủ hai nước phê duyệt và thực hiện trong năm 2013 sẽ giúp các DN Việt Nam và Chile tận dụng được các lợi ích đem lại sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho cơ hội giao thương và phát triển giữa DN và nhân dân hai nước.
Theo: tapchicongthuong