U.S. Investment
CÔNG TY ĐẦU TƯ MỸ - USI
Công ty TNHH Đầu Tư Mỹ
Hotline: 0909 39 69 99

Tin tức

Tin tức

Xin visa ở Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM: 1.001 chuyện chưa biết

Đầu tư mỹ - Khoảng 8 giờ Lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM mới bắt đầu làm việc nhưng từ 2-3 giờ sáng người dân các tỉnh đã chầu chực trước cổng  lãnh sự hay phía bên kia góc đường Lê Duẩn và Lê Văn Hưu (Q.1, TP.HCM) với mục đích xin visa.

“Góc đường này như một xã hội thu nhỏ, có người giàu kẻ nghèo, có buồn vui, có thất vọng, chán nản. Mọi chuyện đều liên quan đến visa”, một người đi xin visa ví von.
 
Cha mẹ thăm con: Dễ đến... bất ngờ
 
Bà Hiền, chủ quán cà phê cóc ở góc đường Lê Duẩn - Lê Văn Hưu (Q.1) gần 20 năm nay cho biết thông thường cứ ba giờ sáng là bà đã phải dọn hàng để bán vì nhiều người ở quê lên sớm.
 
Mở quán sớm, theo bà Hiền, chủ yếu là để phục vụ cho những người ở tỉnh lên làm visa ở Lãnh sự quán Mỹ. Theo quy định phải 8 giờ lãnh sự quán Mỹ mới làm làm việc nhưng từ 2-3 giờ sáng đã có người chầu chực trước cổng rồi. Người đến sớm chủ yếu ở tỉnh xa, đa phần từ các tỉnh miền Tây.
 
Xin visa ở Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM: 1.001 chuyện chưa biết
Xếp hàng xin visa ở Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM - Ảnh: Trung Hiếu

Ông Nguyễn Văn Đức, nhà ở Bình Dương, đưa người con trai đến phỏng vấn xin visa đi du học Mỹ cho hay việc xin visa giống như kiểu “hên xui”. Đối với người này là cực khó nhưng lại cực kỳ dễ dàng với người khác.
 
Ông Đức kể về lần xin visa sang Mỹ thăm con: “Khi bước vào, đụng với một ông Tây da đen to đùng đùng, mình hơi run. Ông ấy hỏi tôi mấy câu: Con ông tên gì, sang Mỹ ngày tháng năm nào? Ông sang Mỹ làm gì, sao không đưa vợ theo? Tôi cứ từng câu trả lời, xong ông ấy bắt tay chúc mừng. Không ngờ xin visa sang Mỹ dễ thế”.
 
Bà Trần Văn Thủy, 67 tuổi, quê ở Bến Tre, được người con trai dẫn lên phỏng vấn xin visa thăm cháu nội ở Mỹ kể: “Tôi được hướng dẫn đến quầy số 7 gặp một bà người Tây. Lạ một điều là bà này nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt chứ không cần thông dịch. Hỏi được ba câu, bà này bảo tôi đậu rồi. Chuẩn bị đi mua vé máy bay sang thăm cháu đi là vừa”.
 
Ông Nguyễn Tất Thắng, quê ở Sóc Trăng, lên phỏng vấn xin visa thăm con ở Mỹ cho hay những trường hợp cha mẹ xin visa thăm con rất dễ được chấp nhận.

Râm ran chuyện “bán” visa

Bà Nguyễn Thị Anh Mỹ (quê ở An Giang), có quốc tịch Mỹ, lên Lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM làm thủ tục đổi hộ chiếu cho hay sau vụ gian lận visa, công tác an ninh ở lãnh sự quán Mỹ được siết chặt hơn.

Bà Mỹ cho biết thời gian sống ở tiểu bang California (Mỹ), bà gặp không ít trường hợp người Việt tìm mọi cách “mua” visa qua Mỹ, sau khi sang Mỹ trốn ở đây luôn.

Bà Mỹ nói: “Cách phổ biến nhất, họ sẽ bỏ tiền cưới giả người có quốc tịch Mỹ. Sau khi được cấp thẻ xanh họ sẽ li dị. Nhưng thủ thuật này gần đây đã bị chính quyền Mỹ phát giác”.

Từ Đồng Tháp lên TP.HCM tới Lãnh sự quán Mỹ điều chỉnh giấy tờ, ông Tăng Phụng Hổ - Việt kiều Mỹ - cho hay những trường hợp “chạy” visa rồi sang Mỹ, rồi thuê người có quốc tịch Mỹ kết hôn rất nguy hiểm. Nhiều trường hợp bị chính quyền Mỹ phát hiện vừa bị tội vừa “tiền mất tật mang”.

“Vừa rồi ở California, cảnh sát bắt một lúc mấy chục luật sư chuyên tư vấn cho khách hàng Việt Nam giả kết hôn với người có quốc tịch Mỹ để có thẻ xanh”, ông Hổ nói.

Bản thân ông Thắng có con gái sang Mỹ và lấy chồng bên đó. Năm ngoái, vợ chồng người con mời ba mẹ sang định cư hẳn bên đó. Vợ ông Thắng phỏng vấn lần đầu được cấp visa liền. Cách đây hai tháng, ông Thắng làm thủ tục xin visa và cũng được cấp trong lần đầu tiên phỏng vấn.
 
Tuy nhiên, theo ông Thắng kể không phải trường hợp cha mẹ xin visa thăm con đều suôn sẻ. Năm trước khi đưa vợ đi phỏng vấn, ông đã chứng kiến cảnh một bà mẹ xin visa thăm con bị rớt khi phỏng vấn.
 
“Lý do trước đó, bà này làm giả kết hôn và bị nhân viên lãnh sự Mỹ phát hiện. Sau này, người con đủ điều kiện bảo lãnh, bà tiếp tục làm hồ sơ xin visa. Tuy nhiên nhân viên ở đây phát hiện ra bà này từng gian dối lập tức từ chối. Hết cửa sang Mỹ thăm con, bà này khóc tại quầy phỏng vấn”, ông Thắng nói.
 
Không cấp visa vì người phỏng vấn quá... đẹp
 
Bà Hiền cho biết đông nhất là đối tượng phỏng vấn xin visa du học nhưng đây là những trường hợp bị rớt nhiều nhất.
 
“Chưa kể sau khi thông tin bán visa bị phát giác như vừa qua báo chí nêu, rất nhiều người phỏng vấn bị rớt”, bà Hiền nói.
 
Đây là lần thứ năm ông Trần Văn Thiện, nhà ở Bà Rịa-Vũng Tàu đưa con đi phỏng vấn xin visa sang Mỹ du học.
 
Ông Thiện kể nhà chủ yếu làm nông, có vài ha trồng tiêu, cộng với nuôi heo nên một năm trừ chi phí, cả gia đình cũng thu được khoảng hơn 200 triệu đồng.
 
Người con gái đầu của ông Thiện học khá giỏi, năm ngoái thi đậu một lúc hai trường đại học nhưng lại có ước mơ sẽ đi du học. Thương con, vợ chồng ông Thiện sau khi bàn bạc quyết định làm hồ sơ xin visa cho con du học tự túc.
 
Tuy nhiên, oái ăm là sau bốn lần phỏng vấn, con gái ông Thiện đều rớt với lý do khi thì chưa chứng minh được tài chính, khi thì trình độ ngoại ngữ chưa đủ chuẩn…
 
“Lần gần đây nhất sau khi phỏng vấn xong, người thông dịch nói chưa thể cấp visa vì con tôi đẹp quá, sang đó dễ trốn đi lấy chồng. Khi không thích cấp, họ tìm đủ mọi cách từ chối. Lần này đưa con đi phỏng vấn cho nó toại nguyện chứ khó đậu lắm”, ông Thiện nói.

Ông Thiện cho hay khi biết Mỹ khó xin visa, gia đình ông cũng tính cho con du học ở Úc nhưng thấy tiền cọc du học ở Úc nặng quá, những hơn 500 triệu đồng, gia đình khó gánh nổi.
 
“Với lại ở Úc khi sang học thì dễ nhưng khi học xong rất khó ở lại nếu không lập gia đình với người có quốc tịch Úc nên con tôi không thích”, ông Thiện lý giải.
 
Sao thấy con phỏng vấn rớt visa, gia đình không tìm dịch vụ tư vấn? Ông Thiện cho biết đậu hay rớt visa cũng hên xui chứ không có dịch vụ tư vấn nào dám đảm bảo 100% phỏng vấn là đậu.

Bền bỉ và kiên trì nhất có lẽ là một cậu phỏng vấn xin visa du học tới 13 lần mới đậu. Khi nhìn thấy cậu này vô phòng phỏng vấn, ông Tây phỏng vấn chỉ biết cười lắc đầu, hỏi đúng một câu rồi cho đậu
 
Bà Hiền – bán cà phê ở góc đường Lê Duẩn – Lê Văn Hưu
Ông Thiện kể: “Có dịch vụ ra giá 10.000 USD bảo đảm đậu visa nhưng cuối cùng họ có làm được đâu. Đứa cháu tôi ở nhà cũng xin visa đi Mỹ, nó học dở, vào Lãnh sự quán Mỹ họ hỏi gì cũng ú ớ hoặc không biết nhưng cuối cùng lại đậu”.
 
Hơn 11 giờ, con gái ông Thiện phỏng vấn xong đi ra. Nhìn thấy bộ dạng thất thểu của con gái từ xa, ông Thiện biết kết quả lần này không tốt hơn những lần trước.
 
“Lại rớt rồi ba ạ. Con vào trúng ngay bà nhân viên người Hàn Quốc từng phỏng vấn mình. Bà hỏi con dạo này có gì mới không và hỏi thêm hai câu nữa. Xong rồi bà bảo con chưa đủ điều kiện để được cấp visa và nói xin lỗi”, cô con gái buồn bã đáp.
 
Nghe xong, ông Thiện đáp: “Đưa con đi phỏng vấn lần này cho con toại nguyện chứ ba cũng không hi vọng con đậu. Bởi nếu đậu thì con đã đậu ở những lần phỏng vấn đầu rồi. Thôi không được học ở Mỹ thì ráng học tốt trường trong nước vậy”.
 
Kinh nghiệm nhiều lần đi xin visa, ông Nguyễn Tất Thắng, quê ở Sóc Trăng cho hay chỉ cần nhìn dáng đi của người phỏng vấn khi bước ra khỏi cổng lãnh sự Mỹ là ông biết người đó đậu hay rớt.
 
“Người nào ra cổng đi như bay sang đường là đậu, còn cứ đi chầm chậm, đầu không ngẩng cao chắc chắn rớt”, ông Thắng cười nói.

Bí mật bên trong địa điểm phỏng vấn

Thú thật, cũng như bao nhiêu người khác tôi cũng có chút cảm giác lo âu khi chuẩn bị phỏng vấn xin visa đi Mỹ. Dẫu cho trước đó tôi đã từng xin visa đi những nước thuộc hàng "xương xẩu" như Anh, Pháp, Thụy Điển... Xen lẫn một chút tò mò, không biết khi vào bên trong khuôn viên lãnh sự mình sẽ được đón tiếp như thế nào, đối diện với nhân viên lãnh sự ra sao...

Nhìn hàng người rồng rắn chờ xin visa dọc theo đại lộ Lê Duẩn với trang phục thẳng tắp, có bà, có cô còn diện áo dài, tóc bới hẳn hoi..., cứ như đi dự tiệc nhưng nét mặt đa phần đều căng thẳng. Tôi cũng ít nhiều ngạc nhiên, tại sao mọi người lại có một cảm giác, một tâm lý ít thấy ở lãnh sự quán các nước khác như vậy?

Sau khi xếp hàng làm thủ tục an ninh và gửi lại các thiết bị điện tử như laptop, điện thoại, máy ảnh... mọi người tách làm hai nhánh, một phía dành cho không di dân và một dành cho di dân.

Và điều khiến các cô, các chị lỡ mặc áo dài phải ân hận là khu vực dành cho ngồi chờ phỏng vấn chỉ là hàng hiên có mái che, không phải là những phòng đợi máy lạnh như vẫn tưởng tượng. Ghế ngồi xếp từng hàng như mọi người vẫn thấy ở sân bay, nhà ga Hòa Hưng hoặc các phòng chờ của nhà xe Phương Trang, Thành Bưởi. May mà tôi ăn mặc có phần... mát mẻ, giản đơn.

Trước khi phỏng vấn, mọi người phải lấy dấu vân tay. Hôm tôi phỏng vấn là một cô người Mỹ to cao trực tiếp hướng dẫn. Có phần hồi hộp, tôi tiến tới, chưa kịp nói gì cô ấy đã hướng dẫn rành rọt bằng tiếng Việt: "Bốn ngón tay trái. Bốn ngón tay phải. Ngón cái tay trái. Ngón cái phải. Xong. Ra kia ngồi đợi". Cũng có phần hụt hẫng cho sự chuẩn bị... từ vựng tiếng Anh của tôi.

Và tôi cũng bất ngờ hơn khi chẳng có phòng riêng nào để mời từng người phỏng vấn. Có 4-5 ô cửa và khi thấy số thứ tự của mình hiện lên trên bảng điện tử báo hiệu đến ô nào thì tiến đến ô đó và... đứng trả lời. Vậy nên, mọi người có thể nghe nhiều đoạn đối đáp thiệt là... vui.

Một bà cụ, nhìn là biết dân miền Tây "chính hiệu", lụm cụm lên trả lời phỏng vấn. Anh nhân viên ngoại giao hình như người Hàn Quốc nói tiếng Việt thiệt rành: "Bà cụ đi qua Mỹ làm gì đây?". "Tui đi thăm cháu ngoại chú ơi". "Bà có mấy đứa cháu?". "Nhiều lắm tui nhớ hổng xuể". "Vậy chứ bà cụ có mấy người con?". "Bảy đứa chú ơi". "Bà sanh nhiều hen". "Nhiều gì chú ơi. Có bà ở xóm trên bả sanh tới 9 đứa". "Vậy chứ qua bển có ai tới đón bà cụ không?". "Chèn ơi, hổng đón làm sao tui biết đường đi chú?". "Vậy là xong rồi. Chúc mừng bà cụ nghen". "Xong là sao chú?". Anh nhân viên lãnh sự cười và hướng dẫn bà cụ qua quầy đóng tiền chuyển phát nhanh hộ chiếu. Bà cụ đi một lúc rồi lật đật quay lại quầy và nhìn anh nhân viên nói: "Tui cám ơn chú nhiều nghen chú. "Bai" chú hen". Cả phòng chờ cười rần khiến cho không khí đỡ căng thẳng.

Tới phiên tôi thì cũng trả lời mấy câu đại loại: Ai mời qua đó? Qua đó làm gì? Ở bển có người thân không? Có gia đình chưa? Định ở "bển" bao lâu? Cũng cần hiểu khái niệm người thân ở đây là bà con ruột thịt chứ không phải khái niệm người thân bao gồm cả bạn bè thân thiết như tiếng Việt phong phú của mình định nghĩa vậy.

Và cũng có người khi được hỏi ở bao lâu thì cứ nghĩ là phải cố xin visa một năm nên nói là muốn ở càng lâu càng tốt. Rớt là cái chắc. Đơn giản chỉ là trả lời đúng thời gian chuyến đi đã lên kế hoạch của mình. Ngay cả khi nhân viên lãnh sự hỏi tiếp sau khi nghe tôi trả lời rằng chỉ đi đúng thời gian đã book vé máy bay trước rằng: "Cô có muốn đi Mỹ sau này không?". Tôi cười đáp: "Tôi sẽ đi qua đó du lịch nếu thu xếp được thời gian". Vậy là xong phiên phỏng vấn.

Sau này đến con trai của tôi phỏng vấn lại càng giản đơn hơn. Chỉ vỏn vẹn 4 câu. "Qua đó làm gì?". "Tôi đi du lịch với mẹ". "Mẹ có visa chưa?". "Có rồi. Visa đây ông". "Bên đó có người thân không?". "Người thân thì không. Bạn bè thì nhiều". "Sau này có muốn qua Mỹ học không?". "Năm sau tôi sẽ qua vì tôi sẽ học chuyển tiếp". Vậy là xong.

Anh Trương Nghiệp Phát, Trưởng phòng Maketing, Công ty Blue Sky Travel cho rằng có ba yếu tố sẽ tác động rất lớn đến các viên chức ngoại giao phỏng vấn. Đó là: "Trung thực. Chính xác. Không ngập ngừng". Anh Phát cho biết khi trả lời phỏng vấn cứ nhìn thẳng vào người đối diện, không e dè, sợ hãi gì cả. Và đó chính là điều đã giúp cho tôi và con tôi xem chuyện đi xin visa Mỹ cũng chẳng có gì là khủng khiếp như mọi người vẫn nghĩ.

T.Tâm



Theo: Trung Hiếu (Thanh Niên)


Bạn cần biết thêm chi tiết? Vui lòng ĐẶT CÂU HỎI, hoặc liên lạc trực tiếp với chúng tôi qua hotline +84 (0) 909 39 69 99 để được tư vấn.