U.S. Investment
CÔNG TY ĐẦU TƯ MỸ - USI
Công ty TNHH Đầu Tư Mỹ
Hotline: 0909 39 69 99

Tin tức

Tin tức

Mười bốn năm - một chặng đường

Đầu tư mỹ - Trần Nguyên Đán là bút hiệu của Mục sư Lữ Thành Kiến, từng quản nhiệm Hội Thánh Maryland, miền Đông, rồi Fort Worth, Texas. Sau giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ năm 2007, ông nhận thêm giải Việt Bút 2009 và là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2010. Ngoài Việt Báo Online, nhiều thơ và truyện của ông hiện có trên tạp chí văn chương trên mạng internet, như da mầu, tiền vệ. Sau đây là bài viết mới nhất.

Mười Bốn Năm một chặng đường
Tác giả, góc tay mặt, cùng gia đình chàng tân khoa 23 tuổi, tốt nghiệp Doctor of Pharmacy,
một chương trình học 6 năm với điểm số trung bình 3.6-3.8, Magna Cum Laude.

Khỏi lâu ngày là bao nhiêu, Kinh Thánh không nói, chỉ nói là lâu ngày, nghĩa là một thời gian dài. Tôi nhớ lại một khoảng thời gian của mười bốn năm trước, một buổi chiều, cùng một số các tín hữu nòng cốt của Hội Thánh, đi thăm một số gia đình người Việt mới đến Mỹ theo diện ROW, một diện tị nạn đặc biệt mà chính phủ Mỹ đã áp dụng cho một số người vượt biển bị cưỡng bách hồi hương rồi sau đó tái định cư.
 
Đây là một chương trình tị nạn không ai dám nghĩ tới, mơ tưởng tới, ngay cả những người bị cưỡng bách hồi hương đã được hứa hẹn sẽ cho tái định cư. Họ không thể tin nổi điều đó. Thế nhưng điều không thể tin đã trở nên sự thật. Hàng ngàn người đã được cho phép tái định cư tại Hoa Kỳ, sau một thời gian trở lại Việt Nam từ các trại tị nạn, chịu nhiều gian khổ cay đắng.
 
Một loạt người đi diện ROW đã đến Maryland. Họ được sắp xếp cho ở trong một khu apartment mà phần lớn những người Việt Nam khi mới đến thường ở. Các tín hữu ở gần đó thông báo cho tôi biết để đến thăm và làm chứng cho họ.
 
Tôi không nhớ rõ có bao nhiêu gia đình chúng tôi đã gặp buổi chiều hôm đó, nhưng có một gia đình hai vợ chồng 3 đứa con nhỏ, đứa bé gái nhỏ nhất khoảng 3 tháng tuổi mẹ bồng trên tay, nhìn rất nheo nhóc, như phần đông những người tị nạn mới đến đất nước của cơ hội, như tôi cách đó vài năm. Hai đứa con trai lớn khoảng 9 và 7 tuổi, nhìn chúng tôi bằng đôi mắt dấu sau cánh cửa. Như phần lớn những người dân tị nạn mới đến, đang hụt hẫng, nhận được sự quan tâm giúp đỡ ban đầu của nhà thờ, rất dễ nghe và chấp nhận tin Chúa, họ bằng lòng tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa của cuộc đời. Cũng có một vài gia đình mới đến mà chúng tôi đi thăm trong khu vực đó tin Chúa.
 
Họ khởi sự đi nhà thờ, và dĩ nhiên nhận được sự chăm sóc của nhà thờ, mọi nhu cầu cần thiết cho người mới đến. Nhà thờ làm mọi thứ để họ có thể bắt đầu đời sống mới cách mau chóng, dù biết rằng rất có thể, sự bắt đầu thích nghi của họ nhanh chừng nào thì sự rời bỏ nhà thờ sẽ sớm chừng ấy. Chúng tôi làm việc với tất cả tấm lòng của mình, không quan tâm đến việc bao lâu, thế nào. Dù thế nào, chúng tôi cũng cố gắng để đem lời Chúa đến cho họ bằng cách tốt nhất, mai sau họ có rời nơi này để đi đến một nơi nào khác thì hạt giống mà chúng tôi gieo ra bấy giờ sẽ mọc ở một nơi nào đó, như gió đưa phấn của hoa bầu hoa mướp đến những giàn bầu bí khác và ra trái. Không ai có thể giữ những cánh chim, khi nó đủ lông đủ cánh thì rời chuồng rời tổ để bay, như một quy luật của đời sống, vấn đề không phải là ở đâu, vấn đề là nó sẽ an ổn ở nơi mà nó bay đến hay không. Chúng tôi muốn làm điều đó.
 
Một số gia đình bay đi mau hơn ngoài sự dự tính của chúng tôi, nhưng gia đình này ở lại. Thậm chí nhiều năm, cho đến bây giờ, mười bốn năm, và hứa hẹn còn dài. Họ gặp khó khăn rất nhiều từ trong gia đình, ra đến ngoài đường, quá khó khăn để có thể thích nghi với đời sống mới. Không tiếng Anh, không xe cộ, không nghề nghiệp, cái gì cũng không, chúng tôi cố gắng giúp họ cái gì có thể giúp được. Rất nhiều khi tôi bắt điện thoại vào lúc giữa khuya, nghe tiếng người vợ khóc, nghe tiếng người chồng càu nhàu, than phiền. Rất nhiều khi phải choàng dậy trong cơn mê ngủ để đến nhà thương thăm người vợ đang bệnh tật, chạy đến nhà để coi sóc giùm khi lũ trẻ con ở nhà… một mình. Quá nhiều sóng gió đến nỗi thú thật tôi chẳng mong gì họ đứng vững trong Chúa dài lâu, chỉ mong tới đâu hay tới đó.
 
Dầu vậy tôi, những năm đầu trong chức vụ, tình yêu đầu tiên với Chúa như một lò lửa nóng, lăn xả vào bất cứ nơi nào có thể lăn vào được mà chẳng từ nan. Có thể nói đây là gia đình đã gắn bó với chức vụ đầu tiên của tôi nhiều nhất, nhiều khó khăn nhất nên tình yêu thương cũng tràn đầy nhất. Bốn năm sau khi đến Mỹ, họ vẫn còn đi nhà thờ, và đứa con gái 9 tuổi còn kẹt lại Việt Nam cuối cùng cũng đến Mỹ, tôi đã đến phi trường Dulles để đón thêm một thành viên nữa vào gia đình này. Và năm đó, anh chị cũng có thêm một đứa con gái nữa, tổng cộng là 7 người. Mỗi khi gia đình này đến nhà thờ, nhà thờ hôm đó thấy đông hẳn lên.
 
Tôi đã có mặt trong buổi lễ ra trường high school của đứa con trai lớn, và đến nhà cầu nguyện chúc phước cho cháu vào đại học, biết môn học cháu chọn là Pharmacy, và trường cháu học là University ot The Science ở Philadelphia. Rồi sau đó khi gia đình này dần có những dấu hiệu ổn định thì tôi lại rời Maryland để đi Texas. Tôi nghĩ là phần tôi đã xong rồi, bây giờ đến người khác.
 
Khi tôi rời khỏi Maryland về Texas, chúng tôi vẫn giữ liên lạc. Ngày kia người chồng gọi tôi từ Maryland, bảo rằng gia đình muốn dời đi tiểu bang khác, và có ý muốn về nơi tôi ở để đi nhà thờ tôi đang làm việc. Anh hẹn tôi đến Fort Worth để tìm nhà mua, chúng tôi gặp nhau ở đó trong sự vui mừng.
 
Tôi đã gọi người tín hữu làm realtor trong Hội Thánh nhờ giúp anh tìm nhà, nhưng giá nhà vẫn cao hơn điều kiện anh có và anh trở lại Atlanta để mua nhà và dọn cả gia đình về đó ngoại trừ đứa con trai lớn đang theo học đại học ở Philadelphia.
 
Tôi luôn luôn nghĩ là mọi sự đều do Chúa sắp xếp và cho phép cả. Cuộc sống con người có từng kỳ, như bèo tụ lại rồi tan, rồi lại hợp. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc, sống nơi chốn khác nhau, liên lạc thưa vắng, nhưng tôi chắc là chẳng ai quên ai, không gặp nhau được nhưng tình cảm vẫn còn đó. Tôi vẫn nghe ngóng, và biết họ vẫn còn đức tin trong Chúa, và vẫn trung tín đi nhà thờ.
 
Bốn năm sau, tôi lại rời Texas trở lại Maryland, vùng đất cũ như một ràng buộc định mệnh mà Chúa đã sắp xếp: Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra chỉ bởi một người và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở. Một ngày, trong khi đang lái xe về nhà, tôi nhận được một cái text từ con tôi: anh Tân, chị Hương muốn đến thăm Bố mà không biết Bố có ở nhà không. Bố gọi lại số…
 
Tôi vui vẻ gọi lại. Người chồng mừng rỡ như mất của lâu ngày tìm lại được. Gặp Mục sư con mừng quá, con sẽ đến thăm Mục sư ngay, đi cả nhà (thiếu thằng con thứ nhì bận học và đi làm) Anh này nổi tiếng là người nhớ nhà nhớ đường rất giỏi, có lẽ cũng khoảng 7, 8 năm, nhưng anh lái xe đến, đậu ngay trước cửa nhà tôi, không cần hỏi địa chỉ để mở GPS, hay hỏi thăm đường. Con bé 3 tháng tuổi ngày mới đến Mỹ nay đã là một teenager 14 tuổi, con bé sinh sau đẻ muộn nhất cũng đã 10 tuổi. Cô bé 9 tuổi đến Mỹ sau cùng thì nay đã là sinh viên đại học năm thứ nhì.
 
Cô vợ kể:
 
- Ngày hôm qua chúng con đi nhà thờ, gặp mọi người, mà không ai nói là Mục sư đã về đây, chúng con cứ tưởng Mục sư còn ở Texas. Cuối cùng bà Nhựt mới cho biết. Nhà con gọi cho ông Tài hỏi số điện thoại Mục sư, gọi cháy máy luôn mà ông không trả lời. Sáng nay ông mới gọi lại, mà nói là quên số Mục sư rồi. Ông cho số chú Vũ, chúng con gọi, chú Vũ cho số chú Dương, rồi chú Dương mới nhắn cho Mục sư. Gọi Mục sư không được, nhà con muốn khùng luôn…
 
Cô kể tiếp:
 
- Chúng con đi dự lễ ra trường của Tuynh (con trai lớn) ngày mai, ghé Maryland trước vài ngày để thăm những người quen và đi nhà thờ. Không ngờ gặp Mục sư, con mừng hơn là người ta cho con cái gì…
 
Trong lúc đang nói chuyện, cô rụt rè hỏi:
 
- Mục sư có đi dự lễ ra trường của Tuynh với chúng con được không. Nếu được thì con tạ ơn Chúa rất nhiều. Con nói nhà con mời Mục sư, ảnh la con, nói là mời Mục sư thì phải mời cho đàng hoàng, chứ đâu có gặp mặt mời đại được, con mời đại…
 
-Mục sư chờ con mời đó. Tôi vui vẻ nói.
 
Hôm sau, như đã hẹn gia đình đến, chở tôi đi Philadelphia. Trên xe, hai vợ chồng thi nhau nói: Cảm tạ Chúa, Ngài ban phước một cách lạ lùng. Hôm nay là ngày vui nhất. Chúng con không bao giờ ngờ là có Mục sư đi dự lễ ra trường của Tuynh, thằng này cũng có phước. Khi đi học Mục sư cũng cầu nguyện cho, khi ra trường Mục sư cũng đến cầu nguyện.
 
Cô vợ cười, nhưng giọng bùi ngùi:
 
- Không biết Mục sư còn nhớ không, nhưng con thì sẽ luôn nhớ mãi trong đời mình. Con nhớ những buổi tối thứ tư, trong thời gian nhà con còn khó khăn, ông bà Mục sư đã đến nhà dạy Kinh Thánh cho con và lũ trẻ con. Dạy Kinh Thánh mà dạy lén, dạy chui, ngay trên đất Mỹ. Cứ chờ anh ấy ra khỏi nhà đi làm là con gọi Mục sư đến. Mục sư dạy xong, ngồi ăn chung với chúng con, đồ ăn con nấu rất dở, mà ông bà cũng vui lòng ăn, rồi vội vã đi về.
 
Tôi gặp lại cậu con trai 9 tuổi, mười bốn năm trước đã nhìn tôi bằng đôi mắt dấu sau cánh cửa nay đã là một thanh niên 23 tuổi, đẹp trai sáng sủa, tốt nghiệp Doctor of Pharmacy, một chương trình học 6 năm với điểm số trung bình 3.6- 3.8, Magna Cum Laude. Tôi chẳng bao giờ có thể hình dung ra hình ảnh ấy. Và một cô bạn gái chưa tin Chúa. Trong khi tôi còn đang tìm thời gian thuận tiện để làm chứng cho cô gái này thì người mẹ chồng tương lai đã “rì rầm” trước với cô, và chuyển sang cho tôi làm chứng ngay. Tôi đã giới thiệu Chúa cho cô, để cô biết rõ Chúa là ai, đã làm gì cho cô, và tại sao cô cần Ngài. Và cả nhà đã đứng vòng quanh trong căn phòng của WaterFront Inn, với một cái view tuyệt vời ngay trước cửa phòng, một cửa biển, những chiếc thuyền con nhiều mầu sắc bập bềnh trên sóng nước, để cầu nguyện cho cô tiếp nhận Chúa. Thêm một phước hạnh nữa.
 
Ngày thứ tư chúng tôi đã chuẩn bị mọi thứ để đến nơi làm lễ tốt nghiệp của University of The Science. Người chồng khám phá ra ông Mục sư “bụi đời” của mình chỉ mặc quần tây đen áo sơ mi bình thường không cà vạt không veston gì cả. Cả hai vợ chồng bèn la toáng lên rằng phải đi mua ngay cho Mục sư cái áo vest. Chỉ còn khoảng hơn  tiếng đồng hồ để đến nơi hành lễ, cả nhà chất lên xe đi tìm Macys mặc dù tôi hết sức từ chối. Tìm Macys không được, thấy Banana Republic bên đường, xông vào ngay, tấn công vào hàng đồ vest, lựa ngay cái áo nào vừa nhất, đem đến ngay quầy tính tiền mà chẳng cần hỏi giá cả. Tôi đã mặc cái áo vest mới đó đến nơi lễ tốt nghiệp, cám ơn Chúa vì mình đã không đem áo vest theo? Nhà tôi khi nghe kể chuyện đã cười nói: đúng là… nhà giàu có khác. Gặp mình dù có muốn cũng chẳng làm được. Rồi nói thêm. Chúa ban phước cho gia đình ấy.
 
Chúng tôi đã ở lại thêm một đêm nữa ở Philadelphia, sáng mai hẹn… ông dược sĩ mới toanh đi ăn sáng, uống cà phê rồi lái xe trở về Maryland. Nhưng câu chuyện chưa chấm dứt ở đó. Buổi chiều khi trở lại Maryland, sẽ đưa cô sinh viên năm thứ hai đại học của gia đình đi làm internship ở Uganda ra phi trường Dulles. Đây là cô bé đến Mỹ sau gia đình 4 năm, nay đã 19 tuổi.
 
Tôi hỏi:
 
- Con học ngành gì.
 
- Dạ Chemistry và Biology, sẽ học Medicine, ngành Pre-health.
 
- Mục sư sẽ ra phi trường tiễn con và cầu nguyện cho con trước khi đi.
 
- Dạ con cám ơn Mục sư.
 
Cô bé sẽ bay từ Dulles đến Amsterdam, Netherland, đến Rwanda và cuối cùng là Uganda, sẽ ở đó hai tuần thực tập, và sẽ về lại phi trường Dulles, sau đó đi Greyhound về Atlanta. Mục sư hy vọng ngày con ra trường Mục sư sẽ đến dự và cầu nguyện cho con, cô bác sĩ tương lai. Tôi nói.
 
Sáng thứ bảy, khoảng 9 giờ, tôi nghe điện thoại reng, nhìn vào iphone thấy tên Tân Nguyễn. Tôi để phone vào tai.
 
- Chúng con chào Mục sư, chúng con đang lái xe về lại Atlanta đây. Cám ơn Mục sư đã cho chúng con một thời gian thật vui vẻ và phước hạnh. Chúng con hứa với lòng mình là ngoại trừ Chúa là Đấng cao cả ban ơn lớn lao, chỉ có hai người mà chúng con sẽ nhớ mãi suốt đời, đó là Mục sư và ông Tài đã giúp đỡ chúng con trong suốt những ngày tháng khó khăn đầu tiên tại Mỹ, Mục sư đã chăm sóc chúng con tận tình, từng li từng tí đến nỗi không có lời cám ơn nào nói hết được. Không có Mục sư và ông Tài, chúng con chắc chắn không có ngày hôm nay, gia đình vui vẻ phước hạnh, con cái ngoan ngoãn, học giỏi, thành công trên con đường học vấn.
 
Tôi đùa:
 
- Cám ơn gia đình con đã chở Mục sư đi Philadelphia, cho Mục sư ăn thoải mái và còn cho áo vest.
 
Anh chưa kịp nói thì tôi nói tiếp:
 
- Mục sư chỉ đùa thôi, các con về lại đó hết sức cố gắng trung tín với Chúa, Chúa sẽ ban cho phước hạnh nhiều hơn nữa chứ không chỉ thế này đâu. Thật ra Mục sư xem chuyến đi này như một món quà đặc biệt và bất ngờ của Chúa. Mục sư hãnh diện vì gia đình các con, các cháu. Những công khó mà Mục sư đã làm, như Chúa nói, quả thật là không vô ích.
 
Chiếc bánh quăng trên mặt nước ba mươi giây là tan, là chìm, mười bốn năm, có hy vọng gì tìm lại được, như cây kim đã chìm sâu vào lòng đại dương, câu Kinh Thánh đó mô tả một sự việc dường như là hoàn toàn mất, nhưng với Chúa thì lại khác, nó không mất, nó vẫn còn, và chẳng những thế, nó còn đem về theo cả một… hộp bánh. Ngài đã cho tìm lại được, và được nhiều hơn, không chỉ cầm cái bánh, cắn vào, mà vui, nhưng còn tận hưởng sự ngọt ngào thơm tho của chiếc bánh. Không chỉ là cái bao tử được thỏa mãn, nhưng là cả tấm lòng thỏa mãn.
 
Như vậy, thì tôi sẽ tiếp tục công việc của mình, sẽ cứ quăng những chiếc bánh trên mặt nước, không lý luận, phân tích, chờ đợi, mong muốn một sự phản hồi. Và tin rằng rồi sẽ lại có một ngày Chúa cho tìm lại được.

Theo: Việt Báo (viết về nước mỹ 2013)

Bạn cần biết thêm chi tiết? Vui lòng ĐẶT CÂU HỎI, hoặc liên lạc trực tiếp với chúng tôi qua hotline +84 (0) 909 39 69 99 để được tư vấn.