”. Đây là bài viết đầu tiên về sự kiện này trên báo Mỹ.
Trần Đình Thắng, một kỹ sư
người Mỹ gốc Việt ở bang Connecticut (Mỹ), đã sưu tập 150 bản đồ cổ Trung Quốc liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Hè năm 1995, nhận lời mời của Trần Đình Thắng - lúc ấy là chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Connecticut, giáo sư Trần Văn Khê - chuyên gia hàng đầu về âm nhạc dân tộc Việt Nam tại Đại học Sorbonne ở Paris (Pháp) - đã đến thăm ngôi trường anh đang theo học năm 3 ngành kỹ sư cơ khí.
Philippines cấm bán quả địa cầu in “đường lưỡi bò”
Manila đã ra lệnh cho các hiệu sách trong nước ngừng bán các quả địa cầu do Trung Quốc sản xuất có in hình “đường lưỡi bò”. Tờ Business Insider dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Raul Hernandez khẳng định “đường chín đoạn mà Trung Quốc đòi hỏi là vi phạm luật quốc tế” và yêu cầu các nhà sách thu hồi toàn bộ sản phẩm có những thông tin sai lệch này.
Năm 2012, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, khi ngang ngược in hình bản đồ có “đường chín đoạn” lên mẫu hộ chiếu mới cấp cho công dân Trung Quốc.
ĐÔNG PHƯƠNG
|
Buổi nói chuyện về âm nhạc dân tộc và văn hóa Việt Nam của giáo sư Khê, thu hút hơn 300 sinh viên và kiều bào ở bang Connecticut, đã đánh thức trong anh tình yêu dành cho nguồn cội. “Cuộc gặp gỡ với bác Khê đã truyền cho tôi “nội công” để theo đuổi sự nghiệp giao lưu văn hóa” - anh Thắng nhớ lại.
Tiếp nối buổi trò chuyện đầu tiên của giáo sư Khê là một loạt buổi trò chuyện về Việt Nam tại các trường đại học khác ở Connecticut, là sự ra đời của tạp chí Nhịp Sống về văn hóa dân tộc Việt Nam được phát hành vào dịp tết cổ truyền, sau đó là những chương trình hỗ trợ sinh viên ở Việt Nam sang Mỹ du học.
Giờ đây, sự say mê đối với mọi thứ thuộc về Việt Nam của anh còn có thêm một niềm đam mê khác: sưu tập bản đồ cổ... Anh sưu tập 150 tấm bản đồ cổ và ba tập bản đồ cổ của Trung Quốc cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông là của Việt Nam, chưa bao giờ thuộc chủ quyền của Trung Quốc như nước này tuyên bố.
(...) Các chuyên gia về biển Đông cho rằng nếu vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa được đưa ra tòa án quốc tế thì bộ sưu tập bản đồ cổ của anh Thắng có thể sử dụng làm bằng chứng lịch sử để bác bỏ những đòi hỏi vô lối của Trung Quốc.
“Là người Việt Nam, tôi có trách nhiệm gìn giữ quê hương mình” - anh Thắng, người đến Mỹ cùng bố mẹ năm 1991, nêu rõ.
(...) Một đêm cuối tháng 7-2012, như thường lệ anh lên mạng đọc tin tức Việt Nam. Đập vào mắt anh là tựa đề “Bản đồ cổ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa” của báo Tuổi Trẻ. Anh đọc ngấu nghiến bài viết đó. Một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu anh. Thắng lập tức chuyển sang mạng eBay và gõ vào mục tìm kiếm những cụm từ “bản đồ Trung Quốc”, “bản đồ Đông Dương”, “đảo Hải Nam”.
“Bài viết về một nhà nghiên cứu ở Việt Nam tìm thấy và trao tặng bản đồ cổ Trung Quốc xuất bản năm 1904, được vẽ từ đời nhà Thanh (thế kỷ 18-19) đã thôi thúc tôi tìm kiếm bản đồ Trung Quốc do các nước phương Tây xuất bản - anh Thắng cho biết - Người phương Tây thường làm việc dựa trên cơ sở khoa học, nên tôi tin rằng bản đồ cổ do họ biên soạn có thể trở thành căn cứ khoa học để chứng minh chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam”.
Từ đêm đó, anh Thắng dành phần lớn thời gian tìm kiếm bản đồ cổ trên mạng, gọi điện cho các nhà sử học và tham khảo ý kiến của các chuyên gia về biển Đông ở Mỹ và Việt Nam. Anh sưu tập cả thảy 150 tấm bản đồ và ba tập bản đồ - được xuất bản tại Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Scotland, Úc, Ấn Độ và Trung Quốc từ năm 1626-1980.
“Khoảng 80 bản đồ và ba tập bản đồ cho thấy cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam và 50 bản đồ cho thấy Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam” - anh Thắng cho biết.
“Những phát hiện của anh Thắng đã cung cấp cho chúng tôi thêm chứng cứ lịch sử và khoa học để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời bác bỏ những đòi hỏi vô lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo này” - tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, viện phó Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng, cho biết.
“Bộ sưu tập bản đồ của anh Thắng cho thấy những mâu thuẫn trong tuyên bố của Trung Quốc về “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với hai quần đảo tranh chấp - giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về biển Đông ở Đại học New South Wales (Úc), tiếp lời tiến sĩ Sơn - Dự án sưu tập bản đồ cổ của anh Thắng là đỉnh điểm của chuỗi nỗ lực thúc đẩy trao đổi văn hóa giữa Mỹ và Việt Nam trong gần 20 năm qua”.
(...) Năm 2000, được sự hậu thuẫn của các học giả người Việt tên tuổi ở hải ngoại, trong đó có giáo sư Khê, anh đứng ra thành lập Viện Văn hóa giáo dục Việt Nam (IVCE) tại New York. Song song với các chương trình trao đổi văn hóa, tổ chức phi lợi nhuận của anh còn đứng ra tổ chức các hội thảo du học Mỹ và hỗ trợ sinh viên làm hồ sơ du học.
Trong 12 năm qua, người đàn ông vẫn còn độc thân này đi lại như con thoi giữa Mỹ và Việt Nam, tổ chức khoảng 60 hội thảo về du học ở Mỹ với sự tham gia tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm của hàng trăm sinh viên Mỹ gốc Việt. Chưa hết, IVCE còn đứng ra kết nối hàng chục trường đại học ở Mỹ và Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Bên cạnh đó, IVCE còn tổ chức 44 sự kiện văn hóa trên khắp nước Mỹ, giới thiệu âm nhạc dân tộc, nghệ thuật dân gian, văn học, phim tài liệu và phim truyện của Việt Nam.
“Anh ấy sống ở Mỹ nhưng trái tim anh ấy ở Việt Nam” - nữ diễn viên Hồng Ánh nhận xét về đối tác của mình khi tham gia tua chiếu phim tài liệu Việt Nam tại các trường đại học ở vùng đông bắc nước Mỹ hồi tháng 11-2012.