- Ở Boston (Mỹ) có một dải đường dài hơn 4km băng qua giữa đô thị cổ kính mà người ta vẫn gọi là Đường mòn Tự do (Freedom Trail). Mỗi năm, 3,2 triệu người từ khắp nơi trên thế giới đến Boston và lần theo dải gạch đỏ nối các con đường, lắng nghe câu chuyện của những người mà hàng trăm năm trước đã đứng lên giành quyền tự quyết số phận đất nước mình.
Con đường hiện tại dẫn về quá khứ
Khách du lịch đến Boston, thành phố ở phía tây bắc
nước Mỹ không ai không biết về những con đường đặc biệt nằm trong mạng lưới của Đường mòn Tự do. Ý tưởng thú vị này khởi phát từ một nhà báo địa phương vào những năm 1950, và ra đời thực sự tám năm sau đó. Một con đường đặc biệt được đánh dấu bằng những viên gạch đỏ, dẫn du khách đi qua 16 di tích lịch sử quan trọng của thành phố, nối dài từ công viên Boston Common đến đài tưởng niệm trên đồi Bunker, nơi diễn ra trận đánh lớn đẫm máu đầu tiên trong lịch sử cuộc Cách mạng Mỹ chống lại đế quốc Anh.
Có rất nhiều cái nhất mà bạn có thể tìm thấy trên Đường mòn Tự do: công viên công cộng lâu đời nhất nước Mỹ, trường học công ra đời sớm nhất nước, ngôi nhà cổ nhất thành phố, nghĩa trang có tuổi đời nhiều nhất Boston… Giữa chặng đường ấy, nhà thờ, nhà nguyện, thậm chí một tàu khu trục thuộc Hải quân Mỹ là những điểm dừng thú vị sẽ kể những câu chuyện quá khứ đầy vinh quang của hàng trăm năm trước. Máu, nước mắt, khát khao tự do đã đổ xuống trên con đường ấy, ngày nay đọng lại trên những góc phố đầy những quá vãng huy hoàng.
Có lẽ không gì thích thú hơn việc đi về quá khứ trên chính con đường của hiện tại. Và việc đó hoàn toàn có thể khi người ta đặt bước chân lên những viên gạch trên Đường mòn Tự do. Thay vì phải loanh quanh tự thiết kế lấy một lộ trình, khách du lịch hoàn toàn có thể an tâm đi theo dải gạch đỏ và bước đi trên con đường giải phóng đất nước của những người anh hùng.
Không gò bó trong khuôn viên của một bảo tàng, lịch sử Boston được tái hiện sống động giữa ngồn ngộn những cao ốc chọc trời, giữa những biển hiệu tân thời và cả tiếng ồn ào của phố xá. Không cần phải lật từng trang sách, cũng không nhất thiết phải xem phim hàng giờ; ở Boston này, lịch sử đứng sừng sững ở từng góc phố, là thứ mà bạn có thể chạm vào được và biết một điều chắn chắn là nó đã hiện hữu nơi đây.
Phố cổ dung dị không ồn ào
Boston là nơi có nhiều địa danh liên quan đến lịch sử cuộc Cách mạng Mỹ nhiều hơn bất cứ thành phố nào khác. Chính Đường mòn Tự do là thứ đã giúp giữ lại những di tích lịch sử giá trị trước áp lực của thời gian và sự thay đổi chóng mặt của đô thị này. Nếu không có sự xuất hiện của Đường mòn Tự do kéo du khách đến với lịch sử, rất có thể ngôi nhà 300 tuổi Old State House đã không còn tồn tại và được thay bằng những toà cao ốc chọc trời, hoặc biết đâu ngôi nhà cổ nhất trung tâm Boston của Paul Revere đã biến thành một nhà hàng sang trọng giữa con phố nhộn nhịp kế bên.
Có điều gì rất tinh tế ở Boston khiến một kẻ lang bạt như tôi phải lòng ngay từ những ngày đầu tiên. Xa lạ hoàn toàn với “khu rừng bêtông” ngút ngàn cao ốc và những toà tháp chọc trời New York, Boston mang trong mình cái vẻ chầm chậm của một phố thị dung dị không ồn ào. Đành rằng có đứng trên tầng thứ 50 của đài quan sát Prudential mới thấy, Boston cũng chẳng nhỏ bé gì đâu, nhưng cái cảm giác đi ngang qua lịch sử, đặt chân lên quá khứ ở mỗi góc đường, khi đẩy cánh cửa bước vào nhà thờ trăm tuổi, hay ngẩn ngơ trước một căn nhà cổ… mới là thứ khiến Boston là chính Boston, chứ không hề bị nhầm lẫn với một đô thị nhiều tuổi nào đó.