U.S. Investment
CÔNG TY ĐẦU TƯ MỸ - USI
Công ty TNHH Đầu Tư Mỹ
Hotline: 0909 39 69 99

Tin tức

Tin tức

Luật Thương Mại - Nói thêm về khế ước

Đầu tư mỹ - Trong dân gian chúng ta thường nghe các câu ca ngụ bình dân thí dụ như chuyện “Thằng Bờm”. Câu chuyện ngụ ngôn dân gian trên ngụ ý chê cười thằng Bờm là một anh nhà quê ngu ngốc, thiếu khôn ngoan chỉ vì tham ăn nắm xôi nên bỏ mất cơ hội vớ bở đổi cái quạt mo lấy nhiều thứ quí giá hơn nhiều. Trên khía cạnh luật pháp đây là một thí dụ rất tốt để tìm hiểu luật khế ước là một lãnh vực quan trọng nhất trong luật thương mại Hoa Kỳ.
 
Vậy khế ước là gì? Các luật gia thường dùng vài từ ngữ chính yếu làm nền tảng cho các giao dịch thương mại và áp dụng luật khế ước như giao ước (a promise) là một lời giao hẹn sẽ làm hay không làm một điều gì vào một thời điểm trong tương lai. Hai yếu tố quan trọng của giao ước là trách nhiệm và tương lai. Khi ai hứa hẹn làm điều gì có nghĩa là người ấy sẽ chắc chắn phải làm việc ấy vào thời gian đã hứa chứ không có nghĩa sẽ làm việc ấy khi có dịp hay là sẽ làm việc ấy nếu không đổi ý.
 
Một từ ngữ khác là thỏa thuận (an agreement) một cuộc trao đổi lời hứa mà cả hai bên đều cam kết sẽ làm cho nhau một điều gì trong tương lai. Bộ Luật Thương Mại Ðồng Nhất UCC (Uniform Commercial Code) áp dụng trên toàn thể Hoa Kỳ (ngoại trừ tiểu bang Lousiana vẫn còn ảnh hưởng theo dân luật Pháp) có định nghĩa giao ước là đồng ý giữa hai bên bằng lời nói hay hành động trong các trao đổi dù là dịch vụ thương mại hay thi hành một việc nào đó.
 
Theo định nghĩa trên trước hết phải hiểu ngôn ngữ song phương (the language of parties) là những điều được đôi bên nói hoặc viết ra khi cam kết với nhau để mô tả quan hệ giữa đôi bên cùng lề lối giao dịch trước đó (course of dealing) lẫn lề lối đã thực hành những điều hứa hẹn (course of performance). Ngoài ra ngôn ngữ thông dụng còn dùng danh từ khế ước hay hợp đồng (contract) để chỉ một thỏa thuận viết thành văn bản được hai bên đặt bút ký kết. Do đó khế ước là một văn kiện pháp lý bắt buộc những người ký kết phải thi hành theo pháp luật.
 
Khế ước được lập dưới bất cứ hình thức nào mà đôi bên muốn với nguyên tắc căn bản là người giao kết phải hội đủ khả năng hứa hẹn và khả năng thi hành được điều đã hứa bằng hành động tương lai. Hứa hẹn được xác nhận dễ nhất bằng cách hiểu rõ nghĩa những lời hứa, tuy nhiên cũng có những hẹn ước không cần đến lời nói. Ðiều luật về lập khế ước (contract formation) bắt đầu từ những đồng ý rõ rệt mà đôi bên biểu thị trong việc ký kết.
 
Thông thường khế ước được lập do một bên khởi sự bằng mời chào dạm hỏi (offer) và bên kia hoàn tất bằng chấp thuận (acceptance). Thí dụ như Phú ông liên tiếp đưa lời dạm hỏi thằng Bờm đổi hết trâu bò, cá mè, gỗ lim, chim đồi mồi để lấy cái quạt mo nhưng Bờm từ chối tất cả, cuối cùng là đề nghị đổi lấy nắm xôi thì được Bờm chấp nhận, sự trao đổi giữa hai người đã hình thành một hợp đồng có hiệu lực theo luật khế ước. Tuy nhiên trong thực tế rất khó tìm được một hợp đồng hoàn hảo theo lý thuyết vì phần nhiều khế ước ẩn chứa ngôn từ mơ hồ thiếu chính xác.
 
Khế ước cần phải rõ ràng vì đó là bằng chứng của sự thỏa thuận và giúp cho tòa án đặt căn bản trong những vụ xử bội tín. Án lệ Texaco v. Pennzoil Co. (1987) là một vụ xử bội ước với số tiền đền lớn nhất trong lịch sử tư pháp Hoa Kỳ về một khế ước không có văn bản ký kết. Công ty dầu Pennzoil muốn mua hãng Getty Oil để sát nhập và bành trướng hoạt động. Sau một thời gian thương lượng hội đồng quản trị Getty Oil chấp thuận nhượng cho Pennzoil ba phần bảy tổng số cổ phiếu của Getty với giá $112 một cổ phần.
 
Luật sư đại diện Pennzoil và hội đồng quản trị Getty Oil tổ chức một buổi lễ có đại diện đôi bên bắt tay nhau và hai công ty cùng ra một thông cáo chung chính thức công bố thỏa thuận này dù rằng chưa có thẩm quyền nào của Getty Oil kịp ký nhận bản khế ước do Pennzoil soạn thảo sẵn. Ngày hôm sau một đối thủ của Pennzoil là công ty dầu Texaco tìm đến Getty Oil đề nghị mua 100% hãng này với giá cao hơn là $125 một cổ phần. Hội đồng quản trị Getty Oil liền bỏ phiếu chấp thuận gạt bỏ Pennzoil ngay và chấp nhận đề nghị của Texaco.
 
Pennzoil bèn đệ đơn kiện Getty Oil bội ước và kiện Texaco là thủ phạm gây ra chuyện. Bồi thẩm đoàn trong vụ này đã xử Texaco phải bồi thường thiệt hại 7.53 tỷ Mỹ kim cho Pennzoil cộng thêm 3 tỷ tiền phạt vạ (sau được tòa phá án giảm xuống còn 1 tỷ) cùng 590 triệu Mỹ kim tiền lãi. Hậu quả vụ này khiến cho Texaco cuối cùng phải đi đến phá sản và các luật gia nêu câu hỏi là giữa Getty Oil và Pennzoil chưa có hợp đồng ký kết chính thức thì có hiệu lực không? Pennzoil lý luận rằng cả hai bên đã bắt tay công bố thỏa hiệp như vậy là có đầy đủ yếu tố lập khế ước rõ ràng.
 
Giữa Pennzoil và Getty Oil trước đó đã từng nhiều lần thương nghị bất thành, sau cùng Pennzoil chịu nhượng bộ mua cổ phần với giá cao hơn $1.50 (thành $112) theo đề nghị của Getty. Hội đồng quản trị Getty đã trả lời thỏa thuận, đại diện hai bên đã bắt tay nhau, nổ rượu sâm-banh chúc mừng cùng ra thông cáo chung chính thức. Dù rằng còn nhiều chi tiết chưa được bàn định nhưng mục đích chính của dịch vụ này đã rõ rệt, Pennzoil cho là đầy đủ lý do để tin tưởng rằng Getty đã đồng ý và lời hứa coi như được ràng buộc.
 
Getty và Texaco chống đối lại rằng đó không phải là biểu hiệu của thỏa thuận vì hai bên trên nguyên tắc còn đang trong vòng thương thảo chi tiết hợp đồng. Với một thương vụ lớn như vậy Getty tin rằng khế ước cần phải viết thành văn kiện dài với rất nhiều điều khoản để thi hành, do đó việc bắt tay và ra thông cáo chung không đủ yếu tố ràng buộc thành giao kết mà chỉ là dấu hiệu chứng tỏ cuộc thương nghị còn đang tiếp diễn.
 
Sau bốn tháng rưỡi xử đi xử lại nhiều lần tại tòa án quận Harris tiểu bang Texas, tòa vẫn xử cho Pennzoil thắng kiện. Ở xứ “cao bồi” này buôn bán phải giữ chữ tín không phải đợi đến lúc “bút sa gà chết”, cái bắt tay vẫn bị trả bằng giá khủng khiếp gần 10 tỷ đô-la bởi lẽ cũng có giá trị bằng lời nói hay chữ viết.
 
Theo án lệ trên một khế ước hay hợp đồng không hẳn cần thiết phải viết ra thành văn bản. Chỉ cần hai bên tỏ thành ý thỏa thuận thì lời hứa miệng cũng đủ ràng buộc. Tuy nhiên có vài loại khế ước phải viết ra với chữ ký mới có hiệu lực. Những điều hứa hẹn này được chi phối do luật về Lừa Ðảo (Statute of Frauds) theo đó liệt kê những loại giao kèo có tính cách dễ bị lừa gạt cần phải viết ra rõ ràng mới có hiệu lực thí dụ như: Giấy nợ, giấy hôn thú, bằng khoán bất động sản (nhà cửa, đất đai) hay những giao kèo có hiệu lực trên một năm hoặc có giá trị trên $500.
 
Luật về Lừa Ðảo được đắc dụng bảo đảm khế ước vì khi ký văn bản hợp đồng có nghĩa người ký tỏ ra đứng đắn thi hành giao ước. Tuy nhiên tòa án cũng nới lỏng áp dụng của luật Lừa Ðảo để xét xử một vài trường hợp đặc biệt không có văn kiện chính thức nhưng có thể chứng minh bằng nhiều hình thức khác như thư từ, mẫu đơn, chi phiếu hay biên lai do đôi bên đưa ra thế vì khế ước.
 
Ngoài ra các văn bản đôi khi không cần đến chữ ký đầy đủ mà chỉ cần đến dấu tích như chữ ký tắt, đóng dấu hay triện, dấu lăn tay, cũng có giá trị như chữ ký. Hàng ngày trong hộp thư xuất hiện nhan nhản những thư mời cấp thẻ tín dụng VISA hay Master Card chấp thuận trước (pre-approval) với lãi suất thật cao cùng nhiều thứ tiền không tên khó nuốt được in bằng chữ rất nhỏ ở mặt sau là những cái bẫy rất thịnh hành hiện nay dĩ nhiên đều có hiệu lực pháp lý một khi bất cẩn ký nhận.
 
Bất cứ ai cũng có quyền lập khế ước, nhưng có hai nhóm người được luật khế ước miễn trừ là trẻ vị thành niên chưa đến tuổi trưởng thành hợp pháp (thường là mười tám tuổi) và những người bị bệnh thần kinh. Hai nhóm này được liệt vào loại không có khả năng ký kết (lack the capacity to contract), do đó lập giao kèo với những người này đều bị coi như vô hiệu (voidable). Tuy nhiên tòa án cũng đặt ra một số ngoại lệ, thí dụ giao kèo với một trẻ vị thành niên để cung cấp những đồ thiết dụng như thực phẩm, săn sóc y tế, hay giáo dục thì cũng có hiệu lực kể cả trường hợp trẻ vị thành niên khai man số tuổi sẽ bị buộc phải trả những gì đã nhận theo giao kết.
 
Như vậy một khi hai người hứa hẹn và bằng lòng với nhau thì giao kết ấy luôn luôn hợp pháp? Thực ra không hẳn như vậy mà còn tùy thuộc vào tính cách hợp lệ của lời hứa theo nguyên lý trao đổi (consideration doctrine) có nghĩa là một điều gì cho đi để bù lại một điều gì nhận được từ người khác.
 
Theo nguyên lý này tất cả các cuộc trao đổi hai chiều đều có hiệu lực. Trở lại thí dụ chuyện thằng Bờm, Bờm nhận nắm xôi của Phú ông để đổi lấy cái quạt mo dĩ nhiên là một cuộc trao đổi hợp lệ vì cả Bờm lẫn Phú ông đều hành xử quyền tự do lập khế ước của mình do đó có thể coi như một hợp đồng có hiệu lực vì khi giao ước cả hai bên đều hiểu rõ giá trị của lời mình hứa.
 
Giả sử ngay từ lúc đầu Phú ông vì thích cái quạt mo quá và Bờm nhận lời ngay đề nghị đổi ba bò chín trâu, sau đó Phú ông thấy tiếc trâu mà đưa ra tòa xin đòi lại vì lẽ giá trị của cái quạt và trâu bò quá chênh lệch nhau thì chắc chắn tòa sẽ bác bỏ lời xin của Phú ông. Bờm vẫn thắng kiện vì chỉ có mỗi một cách thẩm định giá trị công bằng của cuộc đổi chác là sự tự nguyện của người mua và người bán trong việc ký kết hợp đồng.

Theo: Luật sư LyLy Nguyễn (Người Việt Onine)

Bạn cần biết thêm chi tiết? Vui lòng ĐẶT CÂU HỎI, hoặc liên lạc trực tiếp với chúng tôi qua hotline +84 (0) 909 39 69 99 để được tư vấn.