Kinh nghiệm đầu tư trên thị trường Mỹ
Các khoản tiền
đầu tư vào quỹ hưu trí tại Mỹ được hoãn không phải nộp thuế cho đến khi chúng được người lao đông rút ra sử dụng như thu nhập khi họ nghỉ hưu sau này.
Ở Mỹ số tiền bạn sẽ có trong tài khoản hưu trí của mình khi nghỉ hưu không đơn thuần chỉ phụ thuộc vào số tiền đã được đóng vào quỹ hưu trí (QHT) cho bạn, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của bản thân bạn trong việc đầu tư và quản lý quỹ đó trong suốt thời gian bạn còn đi làm.
Nhiều người làm công bình thường ở Mỹ đã làm được điều mà nhiều người mơ ước: làm cho số tiền trong QHT của họ đạt 1 triệu USD và thậm chí nhiều hơn thế trước khi họ nghỉ hưu.
Vậy họ đã làm gì?
i) Họ đã biết tận dụng tối đa những ưu đãi và lợi thế về thuế đối với các khoản đóng góp và đầu tư tự nguyện hàng năm vào QHT của bản thân;
ii) Họ đồng thời cũng tận dụng được tối đa những khoản tiền mà chủ lao động đồng ý cho thêm vào QHT của họ khi bản thân họ tự đóng góp ở mức tối đa mỗi năm theo luật cho phép đối với mỗi cá nhân;
iii) Nhưng rất quan trọng hơn nữa, là họ đã biết cách
đầu tư thành công trên thị trường tài chính (TTTC), bao gồm các cổ phiếu (stocks), các quỹ buôn bán trao đổi (exchange traded funds – ETFs), các quỹ tương hỗ đầu tư (mutual funds), các quỹ trái khoán (bond funds), thị trường tiền tệ cho vay ngắn hạn (money market) v.v. tùy theo quy định loại nào là được phép đối với các loại tài khoản tự nguyện khác nhau của QHT mà họ có.
Phần viết dưới đây sẽ giúp bạn có khái niệm sơ bộ về các loại tài khoản tự nguyện thường có của QHT tự nguyện tại Hoa Kỳ hiện nay và các phương thức đầu tư của chúng trên thị trường tài chính.
Bên cạnh quỹ hưu trí cố định bắt buộc được điều hành bởi nhà nước qua hệ thống bảo hiểm xã hội như hiện có ở Viêt Nam và nhiều nước khác trên thế giới, quỹ hưu trí Hoa Kỳ hiện nay còn bao gồm thêm các phần quỹ đóng góp tự nguyện của từng cá nhân người lao động, gọi là các chương trình tiết kiệm hưu trí cá nhân (Individual Retirement Plans), sau đây viết tắt là TKHTCN.
Điều khác biệt này chỉ mới xảy ra vào hai thập kỷ cuối của thế kỷ 20 vừa qua, sau khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật cải cách thuế, mà một phần của nó là nhằm khuyến khích người lao động tự tiết kiệm thêm tiền cho QHT của mình.
Mỗi chương trình TKHTCN sẽ phải được quản lý trong một tài khoản riêng biệt. Mỗi người lao động Hoa Ký có thể lựa chọn tham gia ít nhất một hoặc tất cả các chương trình TKHTCN mà họ đủ điều kiện theo quy định. Những chương trình chủ yếu và phổ biến hiện nay là những chương trình sau:
1) Chương trình hưu trí do chủ lao động tài trợ, được quản lý với tài khoản có tên 401(k) cho các doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận, hoặc tên 403(b) cho lĩnh vực phi lợi nhuận; Đây là bộ phận quan trọng nhất của QHT tự nguyện.
Tuy rằng các chủ lao đông ở Hoa Kỳ không bị luật pháp bắt buộc phải tài trợ cho QHT, nhưng họ được nhà nước khuyến khích làm việc đó bằng cách cắt giảm mạnh thuế cho họ nếu họ thiết lập và đóng góp vào QHT cho người lao động.
Trong chương trình này chủ lao động sẽ đóng góp hàng tháng vào tài khoản 401(k) hoặc 403(b) của cá nhân người lao động một số tiền tương ứng theo một tỷ lệ nhất định (do họ định trước và có giới hạn tối đa) với số tiền do bản thân người lao động tự nguyện đóng vào tài khoản này của mình.
Trong một số doanh nghiệp (như các trường công lập chẳng hạn), người lao động bắt buộc phải tham gia chương trình này một khi họ đã đạt đủ tiêu chuẩn quy định, nếu không hợp đồng lao động của họ tại đó sẽ bị chấm dứt. Nhưng tất nhiên là không ai lại không muốn tham gia khi họ được phép, vì các chương trình TKHTCN do chủ lao đông tài trợ đều rất có lợi cho người lao động.
Tuy nhiên nhà nước cũng giới hạn tổng số tiền được phép đóng góp (tự nguyện và bắt buộc) của bản thân người lao động trong một năm vào các tài khoản 401(k)/403(b) của mình (ví dụ, cho năm tài chính 2012, giới hạn này là $17.000 đối với người dưới 50 tuổi và là $22.500 đối với người từ 50 tuổi trở lên).
Số tiền do người lao động đóng sẽ được cắt từ tiền lương tháng của họ và chuyển thẳng vào tài khoản 401(k)/403(b). Các khoản tiền này được hoãn không phải nộp thuế cho đến khi chúng được người lao đông rút ra sử dụng như thu nhập khi họ nghỉ hưu sau này.
Chủ lao động có trách nhiệm mở tài khoản 401(k)/403(b) cho từng người lao động tham gia chương trình này tại một công ty đầu tư tín thác (Investment Trustee), chẳng hạn như Fidelity Investments, TIAA-CREF, Charles Schwab Corporation, Vanguard Group Inc., v.v., là nơi cung cấp các dịch vụ quản lý và đầu tư cho các tài khoản hưu trí cá nhân.
Bond funds, mutual funds và money markets của chính các
công ty đầu tư tín thác này cùng một số ETFs như iShare-ETFs và một vài quỹ của các công ty khác, như đã được thỏa thuận với chủ lao động, đươc giao dịch miễn phí đối với các cá nhân có tài khoản ở đó. Còn các loại khác sẽ phải mất phí giao dịch.
Chính bản thân mỗi người lao động sẽ tự lựa chọn và quyết định mua hay bán trên thị trường tài chính (TTTC) những món gì, bao nhiêu và vào lúc nào với số tiền họ có trong tài khoản 401(k)/403(b) của mình.
Một khi người lao động chuyển đổi công việc sang một chủ lao động khác, họ sẽ lại có một tài khoản 401(k)/403(b) khác do chủ mới cung cấp. Luật pháp Hoa Kỳ bảo vệ để số tiền và các món đầu tư họ đã có trong tài khoản do chủ cũ tài trợ luôn toàn quyền thuộc về họ và họ có thể tiếp tục duy trì
đầu tư chúng ở tài khoản cũ đã có hoặc chuyển một phần hay toàn bộ số đó sang tài khoản TKHTCN khác của họ.
Tuy nhiên nếu họ rút ra để sử dụng hay chuyển sang các tài khoản không phải là tài khoản TKHTCN trước khi đạt 59,5 tuổi thì họ sẽ phải nộp phạt, nộp thuế và trả thêm một khoản thuế là 10% trên số tiền đã rút hay chuyển khoản.
2) Chương trình TKHTCN truyền thống được quản lý trong một hay một số tài khoản gọi là tài khoản TKHTCN truyền thống (Traditional Individual Retirement Arrangement Account). Tài khoản này là do người lao động tự lựa chọn và mở tại bất kỳ ngân hàng hoặc công tư môi giới đầu tư nào có cung cấp loại dịch vụ này, kể cả các
công ty đầu tư tín thác có quản lý các tài khoản 401 (k)/403(b).
Người lao động sẽ tự đóng góp vào tài khoản này của mình từ các nguồn tiền khác nhau mà họ có chứ không nhất thiết là phải từ tiền lương tháng của họ, nhưng với điều kiện là họ phải có thu nhập từ ít nhất một việc làm nào đó trong năm tài chính hiện tại.
Mặt khác, tổng số tiền đóng góp không được vượt quá mức quy định tối đa cho một năm (ví dụ: không quá $5000 đối với người dưới 50 tuổi và không quá $6000 đối với người từ 50 tuổi trở lên cho năm thuế 2012).
Các khoản đóng góp vào tài khoản này thường là các khoản sau thuế, nhưng những người có tổng thu nhập cá nhân bằng (hay không cao hơn một mức nhất định so với) một ngưỡng trên (ví dụ cho năm 2012 là $55000) thì có thể khai trong bản thuế thu nhập cá nhân cho năm đó để được hoãn thuế đối với toàn bộ (hay một phần) số tiền đã đóng góp vào tài khoản này trong năm. Số tiền họ có trong tài khoản này được phép đầu tư vào bất cứ thể loại nào lưu thông trên TTTC.
3) Chương trình TKHTCN Roth, mang tên thượng nghị sĩ William Roth, người đề xướng và theo đuổi để chương trình này cuối cùng được luật thông qua vào năm 1997. Chương trình này được quản lỷ trong tài khoản Roth.
Tài khoản này cũng do cá nhân tự mở và tự đóng góp tới mức giới hạn tương tự như đối với tài khoản truyền thống nêu trên. Tuy nhiên, có các điểm khác biệt là các khoản đóng góp vào TK Roth là sau thuế và hoàn toàn không được xin hoãn thuế. Hơn thế nữa, chỉ những ai có thu nhập cả năm không cao hơn mức giới hạn do luật định cho năm đó,
VD: cho năm 2012 là $110000, mới được phép đóng góp đến mức tối đa là $5000 nếu dưới 50 tuổi hay $6000 nếu đạt 50 tuổi trở lên.
Mức đóng góp được phép sẽ giảm dần khi mức thu nhập tăng dần từ $110.000 đến $125.000 và giảm xuống bằng không cho những ai có thu nhập cao hơn.
Nhưng bất kể thu nhập cá nhân là bao nhiêu, mọi người đều được phép chuyển tiền họ có trong TK 401(k)/403(b) sau khi họ thay đổi chủ lao động và tiền họ có trong TK TKHTCN truyền thống vào TK Roth của họ, với điều kiện họ phải trả thuế thu nhập cho các khoản chuyển khoản đó. Điều này có thể làm tăng khoản thuế mà họ phải trả cho năm này lên một mức đáng kể. Vì vậy mỗi người đều phải cân nhắc kỹ lưỡng xem có nên làm việc này hay không.
Bù lại cho việc phải nôp thuế trước, chủ sở hữu TK Roth sẽ hoàn toàn không phải nôp bất cứ khoản thuế nào khi họ rút tiền ra sử dụng sau này, kể cả các khoản sinh lợi đã thu được từ đầu tư (vào bất cứ thể loại nào lưu thông trên TTTC), sau khi họ đạt 59,2 tuổi và sau 5 năm kể từ năm họ có đóng góp đầu tiên vào TK Roth của mình. Đây là điểm rất có lợi cho những ai tham gia chương trình này.
Ngoài ra việc rút tiền ra khỏi TK Roth khi người lao động đã đủ điều kiện cũng không phải tuân theo nhiều quy định ràng buộc về thời gian và sô lượng buộc phải rút ra như đối với số tiền trong hai loại TK TKHTCN kể trên.
4) Chương trình TKHTCN Roth 401(k) được quản lý trong TK Roth 401(k), do chủ lao động tài trợ. Chương trình này mang đặc điểm kết hợp của chương trình 401(k) và Roth đã đề cập ở trên.
Đầu tư vào thị trường chứng khoán gần như là cách duy nhất có khả năng mang lại lợi nhuận cao cho các khoản TKHTCN ở Hoa kỳ, đặc biệt khi mà lãi suất tiết kiệm tại đó đang được chính phủ duy trì ở mức thấp kỷ lục trong một vài năm gần đây nhằm phục hồi lại nền kinh tế bị suy thoái.
Nhưng phương cách này cũng mang rất nhiều rủi ro, vì vậy đòi hỏi mọi người muốn đầu tư phải tự tìm cách học và tìm hiểu các kiến thức và thông tin cần thiết. Họ có thể khai thác các công cụ hỗ trợ trên trang mạng và nhờ tư vấn của các chuyên gia do công ty đầu tư (nơi họ có tài khoản) cung cấp miễn phí để trợ giúp cho mình.
Nếu họ không có khả năng hoặc không có hứng thú gì với công việc này, họ có thể chọn đầu tư vào các mutual funds được cơ cấu cân đối giữa lợi nhuận và rủi ro tùy thuộc vào thời điểm sẽ nghỉ hưu xa hay gần thời điểm hiện tại (Target Date Retỉement Funds), tất nhiên cách thức đơn giản này thường không đưa lại lợi nhuận cao nhất, hoặc họ cũng có thể ủy thác việc đầu tư cho chuyên gia của công ty với một khoản phí nhất định.