U.S. Investment
CÔNG TY ĐẦU TƯ MỸ - USI
Công ty TNHH Đầu Tư Mỹ
Hotline: 0909 39 69 99

Tin tức

Tin tức

Mỹ - châu Âu: Hai bức tranh trái ngược

(Đầu tư mỹ) - Tuần đầu tháng 5, hai nền kinh tế được quan tâm hàng đầu thế giới là Mỹ và eurozone liên tiếp đón nhận kết quả báo cáo. Trong khi Mỹ bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc, tình hình tại eurozone lại rất u ám.

Ngày 29/4, Bộ Thương mại Mỹ công bố tiêu dùng nước này đã tăng 0,2% trong tháng 3. Giới chức Mỹ cho biết mức tăng quý I là nhanh nhất trong hơn hai năm qua, một phần nhờ đợt lạnh bất chợt khiến người Mỹ phải trả nhiều tiền hơn cho chất đốt. Niềm tin tiêu dùng nước này cũng cao vượt dự báo trong tháng 4, theo nghiên cứu của Conference Board.
 
Thêm vào đó, thị trường bất động sản Mỹ có dấu hiệu ấm lên khi chỉ số giá nhà S&P/Case-Shiller tại 20 thành phố lớn nhất nước tăng 9,3% trong tháng 2 so với cùng kỳ. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ năm 2006. Jim O’Sullivan, nhà kinh tế trưởng tại High Frequency Economics nhận xét: "Rõ ràng bất động sản đang hồi phục. Đây là tín hiệu tích cực cho tăng trưởng. Nó sẽ nâng cao cả thu nhập và niềm tin của người dân".
 
Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) ngày 1/5 cũng cho biết sẽ duy trì quy mô chương trình mua lại trái phiếu trị giá 85 tỷ USD mỗi tháng. Cơ quan này cũng nhắc lại sẽ tiếp tục thực hiện đến khi thị trường lao động có cải thiện đáng kể. Lãi suất cơ bản cũng được giữ nguyên gần 0% nếu tỷ lệ thất nghiệp vẫn trên 6,5% và lạm phát chưa vượt 2,5%.
 
Mỹ - châu Âu: Hai bức tranh trái ngược
Tiêu dùng tại Mỹ đang tăng nhanh những tháng gần đây. Ảnh: Bloomberg
 
Dù vậy, tin tức được trông đợi nhất trong tuần tại đây lại là số liệu việc làm của Bộ Lao động Mỹ. Theo đó, trong tháng 4, số việc làm được tạo ra đã vượt dự báo với 165.000. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống thấp nhất 4 năm với 7,5%. Thông tin này đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ bùng nổ khi Dow Jones lần đầu tiên vượt mốc 15.000 điểm.
 
Dữ liệu việc làm đã đẩy lùi nhiều mối lo ngại về triển vọng kinh tế Mỹ. Các nhà phân tích cũng tích tỏ ra lạc quan với tương lai đất nước. Cùng với giá nhà đất tăng cao và chứng khoán khởi sắc, việc này được kỳ vọng sẽ khắc phục tài chính của người dân và ngăn chặn sự suy giảm chi tiêu hộ gia đình, vốn chiếm tới 70% nền kinh tế Mỹ.
 
Trong khi đó, ở châu Âu, tình hình vẫn chẳng hề được cải thiện. Niềm tin kinh tế tháng 4 giảm mạnh hơn dự báo khi 17 nước thành viên còn chưa hồi phục sau khủng hoảng, vấn đề tại Síp lại khuấy lên mối lo nợ trong khu vực. Jennifer McKeown, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics ở London cho biết: "Báo cáo này càng củng cố bằng chứng cho thấy eurozone đang trải qua kỳ suy thoái dài nhất trong lịch sử. Những tin xấu liên tiếp có thể sẽ thôi thúc ECB tung nhiều chính sách kích thích hơn nữa".
 
Và chỉ một ngày sau, eurozone lại phải nhận tin tức tỷ lệ thất nghiệp tháng 3 lên cao kỷ lục với 12,1%. Số liệu này đã tăng tháng thứ 23 liên tiếp, đưa tổng số thất nghiệp lên 19,2 triệu người. Nếu chỉ tính riêng giới trẻ, tỷ lệ này còn lên tới 24%.
 
Việc này đã khiến Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố hạ lãi suất cơ bản xuống thấp kỷ lục là 0,5%, lần đầu tiên kể từ khi đồng euro được đưa vào sử dụng. Lãi suất tiền gửi vẫn được giữ gần 0%. Sau thông tin trên, euro đã liên tục giảm giá so với USD và yen.
 
Ủy ban châu Âu (EC) cũng rất bi quan về tương lai của khu vực. Ngày 4/5, cơ quan này dự đoán GDP của eurozone sẽ giảm 0,4% năm nay, tệ hơn số liệu trước đó là giảm 0,3%. Olli Rehn - Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ châu Âu cho rằng trong bối cảnh suy thoái kinh tế kéo dài, các nước phải làm mọi cách để vượt qua cuộc khủng khoảng thất nghiệp tại châu Âu.
 
Dù vậy, Marchel Alexandrovich, chuyên gia kinh tế tại Jefferies International lại cho biết: "Chỉ cắt giảm lãi suất sẽ không giúp tình hình việc làm được cải thiện. Nếu không áp dụng thêm các biện pháp phi truyền thống, cuộc họp của ECB sẽ chỉ là một nỗi thất vọng mà thôi".

Theo: vnexpress

Bạn cần biết thêm chi tiết? Vui lòng ĐẶT CÂU HỎI, hoặc liên lạc trực tiếp với chúng tôi qua hotline +84 (0) 909 39 69 99 để được tư vấn.