U.S. Investment
CÔNG TY ĐẦU TƯ MỸ - USI
Công ty TNHH Đầu Tư Mỹ
Hotline: 0909 39 69 99

Tin tức

Tin tức

Mỹ: mở rộng cửa cho doanh nhân khởi nghiệp

Chẳng bao lâu nữa, doanh nhân nước ngoài lập công ty khởi nghiệp ở Mỹ có thể được “định cư tạm thời” tại đất nước này nhờ một quy định mới mà Chính phủ Mỹ đưa ra ngày 26/08/2016.

 
Bản đề xuất dài 155 trang, có tên Quy định Doanh nhân quốc tế (International Entrepreuner Rule) do Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) soạn thảo, Nhà Trắng công bố ngày 26-8 để lấy ý kiến đóng góp của cử tri trong vòng 45 ngày trước khi văn bản cuối cùng được Tổng thống Barack Obama ký ban hành và có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2017. Quy định này không cần phải có sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ vì được cho rằng dựa trên Luật Di trú và Quốc tịch (Immigration and Nationality Act - INA) hiện hành.
 
Theo đề xuất này, cơ quan nhập cư Mỹ (USCIS - U.S. Citizenship and Immigration Services) được xem xét từng trường hợp một và cho định cư tạm thời, từ 2-5 năm những người nhập cư “tạo ra lợi ích công cộng đáng kể”. Nhà Trắng cho rằng, những doanh nhân nước ngoài mở công ty khởi nghiệp, tạo ra công ăn việc làm và đóng góp vào tổng sản lượng kinh tế của Mỹ phải được coi là người cung cấp “lợi ích công cộng đáng kể” như quy định của INA. Không có hạn chế số người nhập cư được xem xét, song DHS dự tính mỗi năm sẽ có khoảng 3.000 doanh nhân nước ngoài sẽ được định cư theo quy định mới.

Tổng thống Obama trình bày sáng kiến “visa cho người khởi nghiệp” (startup visa) trong một chuyến làm việc tại Austin, Texas, tháng 8 năm ngoái. Sáng kiến này đã nhiều lần bị Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát bác bỏ. Ảnh: White House
Tổng thống Obama trình bày sáng kiến “visa cho người khởi nghiệp” (startup visa) trong một chuyến làm việc tại Austin, Texas, tháng 8 năm ngoái. Sáng kiến này đã nhiều lần bị Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát bác bỏ. Ảnh: White House
 
Điều kiện để hưởng quy chế định cư tạm thời là doanh nhân nước ngoài phải “có vai trò trung tâm” trong một công ty Mỹ mới thành lập trong vòng ba năm qua. Doanh nhân chọn một trong hai bước.
 
  • Bước 1 là định cư tạm thời hai năm cho những doanh nhân nắm giữ ít nhất 50% cổ phần của một công ty khởi nghiệp đã huy động được ít nhất 345.000 USD từ các quỹ đầu tư Mỹ hoặc được tài trợ ít nhất 100.000 USD từ chính quyền tiểu bang, liên bang hoặc địa phương.
  • Bước 2, nhà đầu tư sẽ được định cư thêm ba năm nữa, nếu vẫn tiếp tục điều hành công ty ở Mỹ, nắm giữ ít nhất 10% cổ phần, công ty huy động được ít nhất 500.000 USD từ các quỹ đầu tư, tạo ra doanh số hằng năm ít nhất 500.000 USD và tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm; hoặc chứng minh được rằng công ty tạo ra ít nhất 10 việc làm toàn thời gian trong năm năm đó. Sau thời gian này, doanh nhân vẫn có thể tiếp tục định cư ở Mỹ bằng cách đăng ký các loại thị thực (visa) hiện hành, ví dụ visa E-B2 cho người có chuyên môn nghiệp vụ đặc thù, E-B5 cho nhà đầu tư nước ngoài, visa H-1B cho người lao động có bằng cấp cao...
 
Doanh nhân ngành nào cũng có thể nộp hồ sơ nhập cư theo diện này, song luật mới đặc biệt có ý nghĩa đối với các doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ. Trong nhiều năm qua, các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon đã ra sức vận động cải cách toàn diện chính sách nhập cư Mỹ, đề xuất tạo ra một lộ trình nhập cư Mỹ cho những người sáng lập các công ty khởi nghiệp ở đây thông qua cái gọi là visa khởi nghiệp (startup visa).
 
Về phía chính phủ Mỹ, cải cách chính sách nhập cư đang có nhiều khuyết điểm là một ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Obama và ông đã nhiều lần nói tới nhu cầu phải tạo ra một “lộ trình”, tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nhân nước ngoài thành lập công ty, tạo công ăn việc làm trên đất Mỹ (startup visa for foreign entrepreuners). Tuy nhiên, suốt tám năm qua, những nỗ lực cải cách chính sách nhập cư của ông Obama đều bị dập tắt ở Quốc hội Mỹ.
 
Hiện thời, doanh nhân nước ngoài chỉ có thể nhập cư Mỹ nếu tham gia chương trình “định cư diện đầu tư EB-5” (đầu tư vào Mỹ ít nhất 500.000 USD và tạo việc làm cho ít nhất 10 người bản xứ); sinh viên tốt nghiệp chỉ có con đường làm thuê theo diện “lao động có kỹ năng nghề nghiệp” (visa H-1B có thời hạn và gắn với công ty tuyển dụng). Cả hai chương trình này đều gây nhiều tranh cãi và bị cáo buộc lạm dụng, bị các tổ chức nghiệp đoàn phản đối mạnh.
 
Những doanh nhân nước ngoài lập công ty khởi nghiệp tại Mỹ lại luôn vướng vào nghịch lý “con gà-quả trứng” rất khó giải quyết: nếu không huy động được vốn từ các quỹ đầu tư thì không khởi nghiệp được, nhưng các quỹ đầu tư sẽ không rót vốn nếu người khởi nghiệp không chứng minh được rằng họ sẽ được nhập cư và định cư ở Mỹ.
 
Quy định Doanh nhân quốc tế sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc này và các sinh viên nước ngoài “tốt nghiệp rồi khởi nghiệp” sẽ có cơ hội ở lại Mỹ, lập công ty, huy động vốn để biến ước mơ thành sự thật. “Đây là một bước tiến lớn trong một hướng đi đúng. Tôi nghĩ, nó sẽ có tác động lớn đối với doanh nghiệp Mỹ và đối với nền kinh tế nói chung”, ông Patrick Collison, một người nhập cư từ Ireland, đang là Giám đốc điều hành (CEO) của Công ty Stripe, chuyên xử lý các giao dịch thanh toán trên mạng, có trụ sở tại San Francisco, nhận xét. Năm năm trước, ông Collison cùng với người em trai là John thành lập công ty Stripe lúc còn học đại học ở bang Massachusetts. Một trong những “thách thức lớn nhất” lúc ban đầu của công ty là xin nhập cư Mỹ cho hai anh em, theo ông Collison. Giờ đây công ty của ông đã có hơn 500 nhân viên và ông Collison là thành viên của một nhóm các nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon nỗ lực vận động để cải cách chính sách nhập cư.
 
Tờ The New York Times dẫn số liệu từ một cuộc khảo sát gần đây cho biết, hơn một nửa số công ty khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực công nghệ có giá trị trên 1 tỉ đô la ở Mỹ có ít nhất 1 người nhập cư là thành viên sáng lập; có hơn 40% số công ty Mỹ trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới của tạp chí Fortune (Fortune 500) được lập ra bởi những người nhập cư hoặc con cái của họ.
 
Bà Sophie Alcorn, luật sư về di trú ở Thung lũng Silicon, nói rằng, quy định nhập cư mới, nếu được thực thi, sẽ làm giảm nhẹ những khó khăn mà các startup đang đối mặt. “Ngày nào tôi cũng nhận được nhiều cuộc gọi của các nhà khởi nghiệp trẻ và tài năng. Các quỹ đầu tư sẽ không rót tiền cho họ nếu không biết chắc rằng, nhà khởi nghiệp sẽ được nhập cư vào Mỹ hoặc được sinh sống và làm việc lâu dài ở đây”, bà Alcorn nói.
 
Do những đóng góp hết sức lớn lao của người nhập cư nên “Để duy trì vị thế siêu cường kinh tế toàn cầu, Mỹ phải giải quyết vấn đề này”, ông Max Levchin, một người nhập cư từ Liên Xô cũ, đồng sáng lập tập đoàn thanh toán trực tuyến PayPal, nhận định.
 
Vấn đề nhập cư cũng đang trở thành điểm nóng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay. Trong khi ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton hứa hẹn mở rộng cánh cửa nhập cư cho những sinh viên nước ngoài tốt nghiệp các đại học Mỹ (*) thì ông Donald Trump của đảng Cộng hòa tiếp tục cổ xúy cho các biện pháp “đóng cửa”: trục xuất ngay khoảng 11 triệu người đang sinh sống bất hợp pháp ở Mỹ, xây tường ngăn biên giới giữa Mỹ và Mexico; lập chương trình E-Verify theo dõi xuất-nhập cảnh để ngăn chặn những trường hợp nhập cư bất hợp pháp, phát hiện những người ở lại Mỹ quá thời hạn trong visa để trục xuất họ. Ông Trump thậm chí còn đòi bãi bỏ chương trình visa H-1B cho người lao động nước ngoài có trình độ cao làm việc tạm thời tại Mỹ vì cho rằng những người này làm cho tiền lương của người Mỹ bị giảm xuống, “gây khó khăn cho người nghèo và tầng lớp lao động Mỹ”.
 
Quy định mới sẽ có hiệu lực ngay trước khi ông Obama rời khỏi Nhà Trắng vào ngày 20-1-2017; vị tổng thống kế nhiệm ông - bà Hillary Clinton hoặc ông Donald Trump - sẽ thực thi nó như thế nào thì còn phải chờ xem.
 
Nếu bà Clinton thắng thế thì quy định này có thể được tích hợp vào chính sách nhập cư chung của bà, song ngược lại nếu ông Trump thành tổng thống thì có nguy cơ cánh cửa nhập cư sẽ đóng chặt hơn nữa.
 
Nguồn: Thái Bình - Kinh Tế Sài Gòn Online

Bạn cần biết thêm chi tiết? Vui lòng ĐẶT CÂU HỎI, hoặc liên lạc trực tiếp với chúng tôi qua hotline +84 (0) 909 39 69 99 để được tư vấn.