U.S. Investment
CÔNG TY ĐẦU TƯ MỸ - USI
Công ty TNHH Đầu Tư Mỹ
Hotline: 0909 39 69 99

Tin tức

Tin tức

Vai trò của luật sư với doanh nghiệp tư nhân

Khi đề cập đến tiểu thương gia thì mọi người hình dung ra ngay hình ảnh một người có chí phấn đấu sẵn sàng chấp nhận đương đầu với mọi thử thách dù có gặp nhiều bất trắc trên thương trường. Ðó là mẫu người thích sống độc lập, tự mình gánh lấy hết mọi nhiệm vụ, việc gì cũng tự làm được chẳng cần nhờ cậy ai cả trên đường mưu cầu thành công trong nghiệp vụ.
 
Tuy nhiên trên thương trường tự do của một cường quốc tư bản như Hoa Kỳ hiển nhiên có nhiều cạnh tranh dưới một hệ thống luật pháp phức tạp nên đôi khi đã gây khó khăn không ít cho các nghiệp vụ tư nếu sơ suất hay thiếu may mắn khi buôn bán hay hành nghề, thí dụ một bác sĩ nếu vô tình nhầm lẫn khi giải phẫu làm bệnh nhân tật nguyền có thể bị rắc rối kiện tụng. Một tiệm buôn không may để khách hàng vấp té bị thương tại cửa hàng mình, nạn nhân thưa ra tòa đòi bồi thường thì rắc rối nhiều hơn may mắn để được tòa xử vô can. Ðây chính là lúc vai trò của một luật sư rất cần thiết trong việc đứng ra biện hộ dùng luật pháp che chở cho thân chủ mình giống như vai trò của một khế ước bảo hiểm bảo vệ tài sản mà một tiểu thương gia đã tốn bao công khó làm ăn nặng nhọc mới tạo dựng ra được.
 
Luật sư Mỹ - Vai trò của luật sư với doanh nghiệp tư nhân
 
Phần đông các tiểu thương gia đợi khi đã xẩy ra chuyện để đến lúc bị kẹt nặng mới nghĩ tới việc tìm tới luật sư nên đôi khi quá muộn không gỡ kịp. Chúng tôi xin đưa ra ba điều cố vấn thiết thực cho các thương gia đang trên đường phát triển nghiệp vụ như sau:
 
(1) Tránh đừng hứa hẹn bảo đảm bất cứ điều gì trong nghiệp vụ với tính cách cá nhân. Ðừng để kẹt với bất cứ ai vì không làm trọn được những lời bảo đảm đã nói. Một lời hứa cá nhân chắc chắn gặp nhiều bất trắc trong việc thực hiện và khi đạt không được sẽ gây rạn nứt trong tương quan liên hệ có thể dẫn đến thưa kiện. Ðường phân ranh trách nhiệm giữa cá nhân và thương mại nên vạch ra riêng rẽ 
 
(2) Hãy dùng một luật sư giúp hoạch định cơ cấu tổ chức doanh nghiệp cho phù hợp với mọi điều luật hiện hành theo đúng mục tiêu và chuyên môn của mình 
 
(3) Ngay khi vừa bắt đầu khởi sự bước vào thương trường đã phải tiên liệu trước những bất trắc có thể xẩy ra sau này mà hoạch định sẵn kế hoạch phòng ngừa hay rút lui. Nên thảo luận với một luật sư giỏi để đặt sẵn phương cách đối phó các trường hợp không may nếu gặp phải sau này bất luận từ việc ra khỏi thương trường phải bán thương vụ đi, hay trao quyền điều hành lại cho người kế thừa hoặc một cơ quan từ thiện nào đó.
 
Các chủ nhân nghiệp vụ tư thường hay có quan niệm sai lầm rằng dùng luật sư bao giờ cũng quá tốn kém. Nhưng nếu so sánh với tổn phí khi thua một vụ thưa kiện thì sẽ thấy rằng giá tiền trả cho một luật sư rẻ hơn nhiều khi so với những khoản tiền phạt hay tiền bồi thường khổng lồ chưa kể đến những hậu quả tốn kém khác về thuế má cùng ảnh hưởng nặng nề đến tăm tiếng khó làm ăn lại được.
 

Giới luật sư thường lấy thù lao khi làm việc cho nghiệp vụ theo ba cách sau:

 
(1) Luật sư phí trả khoán theo giá ấn định trước - thông thường tính cho những công ty hay các nghiệp vụ muốn khai vỡ nợ
 
(2) Làm việc tính giờ - thường dùng để tính thù lao trong việc gỡ rối hay giải quyết các vụ rắc rối mà thời giờ và vấn đề khá phức tạp không tiên liệu trước được
 
(3) Thù lao trả trước đóng hàng tháng ngay từ khi luật sư nhận thay mặt biện hộ cho công ty đang dính vào một vụ kiện thưa dù đứng kiện hay bị kiện.
 
Bất luận trả thù lao cho luật sư cách nào, người thân chủ vẫn phải đóng trước một số tổn phí bắt buộc như tiền thụ lý hồ sơ, tiền mướn chuyên viên điều tra, tiền án phí tại tòa án, tiền chi phí du hành, tiền điện thoại viễn liên, tiền trả nhân chứng về chuyên môn, tiền giám định y khoa, tiền lượng giá, và nhiều khoản chi phí khác được liệt kê trên giấy tờ hẳn hoi.
 
Cho dù biết rằng rất cần, phần đông các nghiệp vụ vẫn miễn cưỡng mướn luật sư lúc đã quá trễ. Khi cần lấy ý kiến cho một quyết định quan trọng, những nhân viên trong ban quản trị thường có ý kiến khác nhau không đồng nhất nên chủ nhân thường tìm một luật sư để lấy lời cố vấn thứ nhì vô tư hơn để khỏi vướng sơ hở thí dụ việc ký kết mua dụng cụ mới, mướn một cơ sở văn phòng mới hay ký kết một giao kèo quan trọng. Những ý kiến thứ nhì thường giúp chủ nhân các tiểu thương nghiệp tìm ra những đường lối quản trị và điều hành mới để làm cho nghiệp vụ phát triển mạnh thêm. Nếu chọn được đúng một luật sư giỏi, chủ nhân ấy sẽ thấy đó là một cố vấn hữu hiệu giúp gỡ rối khi phải đương đầu trước những khó khăn sắp xẩy ra.
 
Một trong những điều chủ nhân các nghiệp vụ lo ngại nhất là trách nhiệm về sản phẩm hay dịch vụ do hãng mình chế tạo hay cung cấp có thể gây tai nạn cho khách hàng hoặc bất luận một nguyên cớ nào khác tạo nguy cơ làm mức tài chánh của hãng bất ngờ bị thâm thủng trầm trọng. Những chủ nhân ông khôn ngoan biết tiên liệu xa thường thấy rằng dàn xếp với luật sư trước khi để xẩy ra thưa kiện thường tránh được rất nhiều hậu quả khốc hại. Luật sư có thể giúp ý kiến tổ chức hoạt động phù hợp với luật lệ ra sao để có thể bảo vệ thương vụ tránh trách nhiệm với công chúng hay với thuế má, và bảo vệ các chủ nhân ông và gia đình họ trước những biến cố bất ngờ không đoán trước.
 
Vậy muốn chọn một luật sư giỏi các chủ nhân tiểu thương phải để ý đến điều gì? Thường thì chọn một luật sư qua sự giới thiệu của thân nhân hay bạn bè là cách tốt nhất, với điều kiện là những người giới thiệu đó đã từng dùng luật sư đó cho thương vụ tương tự hay đã có kinh nghiệm trải qua những rắc rối như mình sắp gặp phải. Nếu không có ai giới thiệu thì có thể tìm một luật sư chuyên môn đã hành nghề nhiều năm, đặc biệt với kinh nghiệm về ngành mà mình cần giúp, có thực tâm giúp thân chủ đạt trường tồn lâu dài và tiến triển trong nghiệp vụ.
 
Chọn đúng một luật sư có thể coi như thêm tài sản cho công ty chứ không phải là gánh nặng. Sau hết vai trò của một luật sư sẽ là cố vấn gỡ rối trước những cạm bẫy giăng mắc trên thương trường. Những tiểu thương gia sáng suốt thường coi trọng luật sư không phải chỉ như một người phục vụ cho mình mà là một cộng tác viên. Với sự hiểu biết mục tiêu và chủ đích của thân chủ, người luật sư sẽ trở thành bạn và người góp vốn cho tiểu thương. Như vậy làm cách nào để quí vị biết mình chọn đúng được một luật sư? Nếu mới gặp một luật sư trong vòng 20 phút đầu đã đòi quí vị ký ngay một chi phiếu thì chắc chắn đó không phải là một luật sư tốt.
 
 
Theo: LyLy Nguyễn - Người Việt Online

Bạn cần biết thêm chi tiết? Vui lòng ĐẶT CÂU HỎI, hoặc liên lạc trực tiếp với chúng tôi qua hotline +84 (0) 909 39 69 99 để được tư vấn.