Cách dự trù tài sản ra sao?
(
Đầu tư mỹ) - Nếu ai nghĩ đến tương lai muốn an bài cho những người thân trong gia đình có được một cuộc sống đầy đủ sau khi mình chết đi thì nên lập hoạch định tài sản càng sớm càng tốt. Thủ tục này có thể đơn giản hay phức tạp tùy thuộc ngoài yếu tố của cải nhiều hay ít mà còn tùy theo ý định của người chủ muốn phân chia cho các kế thừa ra sao.
Trước khi dự trù tài sản nên bắt đầu bằng cách viết xuống giấy mục tiêu căn bản mà mình muốn đạt sau này thí dụ như để lại của cải cho vợ hoặc chồng còn sống sót hay chia đều cho con cái, ủy nhiệm người giám hộ cho các con còn nhỏ nếu không may cha mẹ cùng chết bất ngờ, v.v... Kế đến là bắt tay một cách cụ thể vào dự tính bằng cách lập một bản kiểm kê tổng kết gia sản hiện hữu bao gồm tất cả những gì đang có trong tay, những gì cho vay chưa đòi về và những gì còn nợ chưa trả. Cũng đừng quên lưu ý đến tình trạng sở hữu từng món, thí dụ như nhà ở mua thế nào, còn nợ bao nhiêu, đến bao giờ trả hết hay nếu có lợi nhuận do những trương mục đầu tư, bảo hiểm hay hưu trí đang có thì cũng phải kể tất cả.
Ðể có khái niệm về tình trạng tài chánh cá nhân của mình hãy bỏ ra vài phút thử tưởng tượng nếu bất chợt có người xen vào thì liệu có nắm vững được tình trạng tài chánh ấy không? Từ đó lại tự đặt mình vào vị trí người ngoài cuộc để kê ra lợi tức thâu vào cùng chi phí trả ra đúng theo những gì mà người thi hành di chúc sẽ gặp phải. Làm được như vậy là chứng minh rằng dự trù của cải không những chỉ dự tính về cái chết mà còn giúp cho đời sống trở thành giản dị hơn.
Trong một nhà việc hoạch định tài sản có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ từ đời cha mẹ đến con cái rồi cháu chắt về sau, do đó nên coi kế hoạch này như một vấn đề chung của cả gia đình. Vì vậy đối với gia đình có tài sản đáng kể, nhiều bậc cha mẹ bỏ thời giờ triệu tập một buổi họp mặt cả nhà để giải thích cho con cháu biết dự tính tương lai của mình và việc này sẽ ảnh hưởng đến đời họ ra sao.
Cha mẹ cũng hội ý biết thêm tâm tư cùng ý muốn của con cháu khiến dự tính sẽ xác thực và lợi ích hơn. Nhờ vậy sẽ đạt được sự đồng thuận của vợ chồng con cái tránh khỏi cơ nguy tranh chấp nội bộ về sau có thể mất hòa khí gia đình. Dĩ nhiên giải quyết manh nha của bất đồng lúc mọi người còn sống sẽ dễ hơn có chuyện không ngờ xẩy đến sau khi chết trở thành xung đột hay kiện tụng tranh giành di sản. Cũng đừng quên công bố người được chỉ định thi hành di chúc hoặc làm giám hộ các con vị thành niên và cần biết chắc rằng người ấy chịu nhận lời ủy nhiệm.
Nếu gia sản tương đối nhỏ và ý muốn của gia chủ không mấy rắc rối thì người ấy có thể tự soạn lấy kế hoạch hoạch định của cải và chỉ cần đến luật sư chuyên môn giúp thảo văn kiện như di chúc hay tín mục. Ngược lại những người có tài sản lớn cần phải tham khảo với luật sư hay chuyên viên về bảo hiểm, kế toán, ngân hàng cũng thân quyến hay bạn bè thân thiết.
Chi phí đặt hoạch định tài sản ít nhiều tùy theo cỡ tài sản lớn nhỏ và còn tùy theo kinh nghiệm và giá biểu của luật sư tại từng địa phương. Thông thường nếu lập di chúc căn bản luật sư chỉ tính một khoản lệ phí bao tất cả việc tham khảo, thảo văn kiện và thi hành di chúc kể luôn lệ phí phải đóng cho tòa án.
Trái lại những người muốn đặt nhiều mục tiêu khác hơn là chỉ có di chúc căn bản dĩ nhiên phải cậy đến chuyên môn. Nhiều luật sư cống hiến trọn bộ kế hoạch hoạch định tài sản (estate planning package) gồm di chúc sống (living will), tín mục sống (living trust), ủy nhiệm luật sư dài hạn (durable attorney power) phòng trường hợp không may bị bất lực thể xác hay tinh thần do tai nạn hay bệnh hoạn. Ngoài ra những người giàu bạc triệu trở lên còn cần đến luật sư giúp giảm thiểu thuế đánh trên tài sản.
Thông thường hoạch định tài sản phức tạp ngoài di chúc căn bản còn cần tăng cường song hành thêm một hay nhiều tín mục nên luật sư thường tính thù lao theo giờ làm việc cho kế hoạch này, do đó trong lần tham khảo đầu tiên phải hỏi rõ ước lượng phí tổn tối đa toàn bộ kế hoạch, không nên để mù mờ đưa đến chi phí cao phải trả ngoài ý muốn.
Ðể chuẩn bị hoạch định tài sản cho chính xác người thiết lập cần thâu thập các chi tiết cần thiết như:
1-Tên họ, địa chỉ, ngày và nơi sinh của vợ hoặc chồng cùng các con hay các các người định cho làm thừa kế và cần liệt kê tật nguyền hay nhu cầu đặc biệt của những người này nếu có.
2-Tên họ, địa chỉ và điện thoại của người được chỉ định làm giám hộ hay thi hành di chúc (will) hoặc “người tín nhiệm (trustee)” của tín mục (trust).
3-Trị giá mọi nguồn lợi tức kể cả lãi của tất cả gia đình gồm vợ hoặc chồng hay con cái đang sống chung.
4-Trị giá mọi nguồn nợ kể cả nợ nhà, nợ cá nhân hay nợ nghiệp vụ.
5-Trị giá và tên người thụ hưởng tiền hưu bổng như IRA hay 401K, bảo hiểm nhân thọ, tiền phúc lợi an sinh xã hội hoặc tương tự.
6-Trị giá, số trương mục mọi nguồn tài chính khác như tiền tiết kiệm ngân hàng, tiền cho vay hay các khoản tiền hùn hạp hoặc các món tiền thụ hưởng khác sẽ được trả lúc chết.
7-Trị giá bảo hiểm nhân thọ với đầy đủ chi tiết số khế ước bảo hiểm, tên người được bảo hiểm và người thụ hưởng cùng số tiền nợ vay trước nếu có.
8-Danh sách tất cả các món đồ cá nhân có giá trị khác kể cả bất động sản, nữ trang, xe cộ, trang bị nội thất, của cải gia truyền hay tất cả tài sản có giá trị khác.
9-Giá trị tài sản và tên tín viên trong các tín mục hiện hoạt động và đang hưởng phúc lợi.
10-Tất cả các văn kiện khác có ảnh hưởng đến hoạch định tài sản thí dụ như giấy hôn thú, ly dị, hồ sơ thuế ba năm sau cùng vừa khai, các văn bản di chúc hay tín mục đã lập từ trước, trước bạ nhà đất và mọi giấy tờ liên hệ đến tất cả các món tài sản hiện hữu.
Cho dù đã đạt được quyết định chín chắn dự tính mai sau cũng chưa đủ để giao khoán cho luật sư hoàn thành ngay mọi giấy tờ cần thiết vì việc lập văn kiện hoạch định của cải không chỉ giản dị là điền hồ sơ theo mẫu. Sau lần tham khảo đầu tiên phần đông thân chủ còn phải gặp mặt luật sư ít nhất hai lần nữa để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến chủ quyền từng món tài sản.
Buổi gặp mặt đầu thường để thảo luận về tình trạng tài chánh của thân chủ và nhận định ý nguyện an bài cho thân quyến ra sao sau khi chết. Ðừng ngại ngần tiết lộ những chi tiết có tính cách thầm kín riêng tư thí dụ đang có bao nhiêu tiền, muốn có bao nhiêu con nữa, trong thân nhân muốn để cho ai nhiều ít bao nhiêu.
Luật sư cần biết rõ ràng mọi uẩn khúc thì mới đưa ra được những lời bàn hữu hiệu vì họ là chuyên gia có tuyên thệ trước pháp luật phải giữ tuyệt đối bảo mật mọi chi tiết liên quan về thân chủ. Tiếp đó luật sư nghiên cứu các hồ sơ liên hệ đến chủ quyền các tài sản hiện hữu cùng các hồ sơ nợ nần và nêu các thắc mắc tìm thấy. Luật sư sẽ đề nghị một vài giải pháp để thân chủ lựa chọn căn cứ theo những điều luật có thể thi hành thích ứng với ý nguyện đã đề ra rồi soạn thảo những văn kiện cần thiết theo sự chọn lựa của thân chủ.
Buổi sau luật sư hội kiến với thân chủ để cùng duyệt lại toàn bộ hồ sơ hoạch định tài sản kể cả di chúc lẫn tín mục, thêm thắt hay sửa đổi một vài chi tiết nếu cần trước khi thân chủ chính thức ký tên và luật sư làm chứng. Ðối với các trường hợp tài sản lớn và phức tạp thì thân chủ cần liên lạc thường xuyên với luật sư để cùng duyệt lại định kỳ các hồ sơ dự trù của cải đã lập để luôn luôn giữ di chúc hay tín mục được cập nhật để thi hành phù hợp đúng ý nguyện của mình.
Theo: Luật sư LyLy Nguyễn (nguoi-viet.com)