Khủng hoảng kinh tế, Mỹ vẫn chi “khủng” cho quốc phòng
Ngày 20/12, Hạ viện Mỹ đã chính thức thông qua ngân sách quốc phòng cho năm 2013. Đáng chú ý là số tiền Lầu Năm Góc được cấp lên tới 633 tỷ USD, cao hơn 1,7 tỷ USD so với mức đề xuất của Tổng thống Obama.
Mỹ vẫn là nước có ngân sách quốc phòng “khủng” nhất thế giới
Diễn biến này có phần trái ngược với năm ngoái khi Hạ viện Mỹ chỉ đồng ý cấp 649 tỷ USD trong khi Tổng thống Obama đề xuất 690 tỷ USD. Dự luật về quốc phòng 2013 được thông qua với tỷ lệ 315 phiếu thuận, 107 phiếu chống và đã được chuyển tới Thượng viện để phê chuẩn.
Trước đó Nhà Trắng đã dọa sẽ phủ quyết một phiên bản trước đó của dự thảo luật chi tiêu này. Và theo người phát ngôn Jay Carney, khả năng này vẫn chưa được loại trừ. Ngân sách mới được Hạ viện Mỹ thông qua trong bối cảnh Lầu Năm Góc không ngừng phàn nàn rằng họ buộc phải chấp nhận giảm khả năng chiến đấu của quân đội để bỏ đi các vũ khí cũ kỹ những rất phổ biến.
Đạo luật bao gồm ngân sách cho hoạt động cơ bản của Bộ quốc phòng là 528 tỷ USD, bao gồm các khoản chi cho tàu chiến, máy bay, vũ khí, nhân sự. Thêm 17 tỷ USD cho các chương trình quốc phòng và hạt nhân của Bộ Năng lượng và 88,5 tỷ USD cho cuộc chiến tại Afghanistan.
Trước khi dự luật được thông qua, hai phe Dân chủ và Cộng hòa trong Hạ viện Mỹ đã có những tranh cãi khá quyết liệt. Những người thuộc phe Dân chủ cho rằng đạo luật này di ngược lại yêu cầu thắt chặt kỷ cương tài khóa. “Đạo luật này cấp cho Lầu Năm Góc nhiều tiền hơn mức họ cần”, Hạ nghị sỹ Jim McGovern nói. “Rõ ràng chúng ta đang ném tiền vào họ”.
Cụ thể, các khoản chi cho một phiên bản của máy báy không người lái Global Hawk đã bị cắt bỏ trong khi cấp kinh phí cho việc nâng cấp xe tăng cùng các phương tiện chống đạn.
Trước đó trong bài phát biểu hồi đầu tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã chỉ trích những áp lực buộc Lầu Năm Góc phải giữ những loại vũ khí họ không muốn. “Máy bay, tàu chiến, xe tăng, các căn cứ và thậm chí cả những thứ đã không còn hữu ích, vẫn được thông qua một cách tự nhiên. Nhưng sự sẵn sàng thì không có”, ông Panetta nói.
“Chẳng những vậy khả năng sẵn sàng chiến đấu thường bị hy sinh để đổi lấy một lực lượng lớn hơn nhưng ít hiệu quả hơn. Tôi nhất định sẽ không để điều đó xảy ra”, vị Bộ trưởng khẳng định.
Ngoài nội dung về ngân sách, đạo luật mới về quốc phòng cho phép quân đội mua các loại nhiên liệu thay thế ngay cả khi giá cao hơn các loại nhiên liệu truyền thống. Trong khi đó kế hoạch xây dựng một căn cứ phòng thủ chống tên lửa ở bờ biển phía Đông nước Mỹ bị bác bỏ. Thay vào đó Lầu Năm Góc được yêu cầu nghiên cứu 3 địa điểm.
Cũng theo đạo luật này, sẽ có thêm 1000 lính Mỹ được tăng cường để đảm bảo an ninh cho đại sứ quán sau vụ tấn công tòa lãnh sự Mỹ tại Benghazi, Libya khiến đại sứ Chris Stevens cùng 3 nhân viên người Mỹ thiệt mạng.
Ngoài ra, đạo luật cũng phê chuẩn khoản ngân sách 480 triệu USD cho kế hoạch phòng thủ tên lửa giữa Mỹ và Israel trong đó có 211 triệu USD chi cho hệ thống đánh chặn tên lửa tầm ngắn Mái vòm sắt.