Cải cách di trú ở Mỹ có lẽ không xảy ra trong năm 2015
Trong khoảng thời gian kéo dài qua nhiều kỳ bầu cử ở Mỹ, đã có những lời kêu gọi
cải cách di trú toàn diện để điều chỉnh lại một hệ thống mà mọi người ở cả hai phía trong lập trường chính trị đều đồng ý là đã bị hỏng. Tuy nhiên, một số quan sát viên nói lệnh hành pháp của
Tổng thống Barack Obama mới đây nhằm tạm thời che chở cho một số người nước ngoài không có giấy tờ hợp lệ khỏi bị trục xuất có thể làm hại đến mục đích lâu dài của ông là tiến đến một thỏa thuận toàn diện với Quốc hội.
Mệnh lệnh hành chánh mới đây của
tổng thống Obama cho phép khoảng 4 triệu cư dân không giấy tờ tại Mỹ được hưởng tình trạng hợp pháp tạm thời. Tuy nhiên nếu không được Quốc hội chấp thuận, ông Obama không thể hoàn tất kế hoạch
cải cách di trú toàn diện.
Đảng Cộng hòa chiếm được đa số tại cả hai viện Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 vừa qua, đã có phản ứng như sau qua lời phát biểu của Chủ tịch Hạ viện John Boehner:
“Thay vì làm việc với nhau để sửa lại hệ thống
di trú đã hỏng của chúng ta, tổng thống nói ông hành động theo ý ông. Nền dân chủ chúng ta không hoạt động theo cách thức như vậy.”
Ông Tony Payan, Giám đốc Trung tâm Mexico tại Viện Baker của Trường đại học Rice, nói hành động của tổng thống Obama sẽ giúp nhiều người ra khỏi bóng tối:
“Trên cơ bản thì họ được hội nhập thêm một ít, theo một nghĩa pháp lý, chính thức, vào nền kinh tế và xã hội Mỹ. Tuy nhiên, đây là một hành động cũng có nhiều phản tác dụng vì tôi cảm thấy biện pháp này đã gây bất mãn cho nhiều đảng viên Cộng hòa, những người vốn đã sẵn sàng để làm một việc gì đó về di trú.”
Tổng thống Obama trả lời các câu hỏi về sắc lệnh của ông về vấn đề di trú, 9/12/14
Trong khi một số di dân không giấy tờ ủng hộ biện pháp này, những người khác có những cảm nghĩ lẫn lộn về điều họ xem như là một sự điều chỉnh tạm thời. Một người di dân bất hợp pháp cho biết như sau:
“Chúng tôi muốn một giải pháp có thể thực sự giúp đỡ chúng tôi và tổng thống nên giữ lời hứa, nhưng ông ấy nên làm việc cùng với Quốc hội và những người khác.”
Ông Tony Payan nói có những lo ngại về việc nộp đơn xin cấp qui chế hợp pháp theo biện pháp tạm thời này:
“Một khi họ cung cấp các thông tin cá nhân cho chính phủ, một khi chính phủ biết được họ là ai và họ ở đâu và nếu tổng thống kế tiếp không muốn gia hạn qui chế được bảo vệ tạm thời, thì họ sẽ bị phát hiện một cách nhanh chóng và bị từ chối.”
Đảng Cộng hòa nói họ muốn đảm bảo an ninh tại vùng biên giới với Mexico trước khi chấp thuận những biện pháp khác. Làn sóng di dân Trung Mỹ tăng mạnh tại vùng biên giới Texas trước đây trong năm đã làm nổi bật những lo ngại này.
Đảng Cộng hòa cũng chống lại những đề nghị của Đảng Dân chủ về điều được gọi là “Con đường tiến đến công dân” mà họ xem như là một thủ đoạn làm tăng số cử tri bỏ phiếu cho phe Dân chủ.
Tuy nhiên một
luật sư di trú tại Houston, ông Charles Foster, nói hầu hết những di dân chỉ muốn được qui chế thường trú nhân, chứ không muốn có quốc tịch đầy đủ.
“Nếu quí vị nhìn vào luật hợp pháp hóa tình trạng di trú mà tổng thống Reagan ký trước đây, trong vòng 40 năm qua, chỉ có khoảng 30% người đủ điều kiện đệ đơn xin nhập tịch.”
Ông Foster nói vấn đề di trú đã làm Đảng Cộng hòa chia rẽ:
“Trong khi cộng đồng doanh thương rất ủng hộ
cải cách di trú, có một cánh trong Đảng Cộng hòa lúc nào cũng mạnh mẽ chống lại mọi chuyện.”
Các nhà phân tích cho rằng có thể vẫn còn khả năng để Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát và tổng thống Obama tiến đến một thỏa thuận về ít nhất một số phần của cải cách di trú trong năm tới, nhưng một chương trình cải tổ toàn diện có phần chắc sẽ bị trì hoãn cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ