Cuộc tuyệt thực "đường phố" kéo dài hơn 3 tuần trước tòa nhà Quốc hội Mỹ đã được những người lãnh đạo cao nhất của cả Nhà Trắng và Đồi Capitol ghi nhận. Bà Nancy Pelosi, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện cho biết: "Những nhà hoạt động này đã phải tuyệt thực để chứng minh rằng tình hình hiện nay vô vọng như thế nào. Thượng viện đã thông qua dự luật với sự nhất trí của lưỡng đảng. Hạ viện cũng cần phải làm điều tương tự…
Vấn đề người nhập cư, lao động bất hợp pháp ở Mỹ từ lâu đã là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Làn sóng nhập cư hiện nay cũng đang gây lo ngại cho người dân Mỹ kể từ khi dân số nước này vượt ngưỡng 300 triệu. Theo thống kê của Cục Điều tra dân số Mỹ, hiện có khoảng 40 triệu người
nhập cư đang sinh sống tại quốc gia này. Trong đó, người nhập cư gốc Mexico vào khoảng 13 triệu người; Trung và Nam Mỹ 9 triệu người; Châu Á hơn 10 triệu người... Ước tính, khoảng 40% các nhà khoa học tại Mỹ là người nhập cư. Theo Raul Hinojosa-Ojeda, chuyên gia về các chính sách nhập cư của Đại học California, việc hợp pháp hóa sự di trú cho người lao động tại Mỹ sẽ đem về cho đất nước này khoảng 1,5 nghìn tỷ USD trong10 năm tới, đồng thời sẽ giúp tăng trưởng thêm 0,8% mỗi năm cho nền kinh tế nước này, vốn giậm chân tại chỗ ở mức 2% trong những năm gần đây.
Cách đây nửa năm (ngày 27-6), Thượng viện Mỹ đã thông qua
dự luật cải cách di trú sâu rộng với 68 phiếu thuận và 32 phiếu chống, cho phép gần 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp trở thành công dân Mỹ. Mục đích của việc sửa đổi luật là để cải thiện hệ thống visa đã hết hạn của những người
nhập cư tại Mỹ và giúp các công ty Mỹ dễ dàng hơn trong tiếp cận với nguồn lao động nước ngoài thuộc nhiều lĩnh vực từ người làm nông nghiệp, công nhân xây dựng đến lao động có tay nghề cao. Theo dự luật, hàng triệu người nước ngoài hiện đang sống không đủ giấy tờ ở Mỹ có thể được phép ở lại nước này, thậm chí có thể trở thành công dân Mỹ. Nội dung chính của dự luật yêu cầu người nhập cư không đủ giấy tờ phải đăng ký với chính quyền, qua khâu kiểm tra lý lịch, truy nộp thuế, các khoản lệ phí và tiền phạt để được sống và làm việc hợp pháp; sau vài năm thử thách có thể nộp đơn xin nhập quốc tịch. Dự luật cũng yêu cầu siết chặt an ninh các tuyến biên giới, nhất là biên giới với Mexico nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp. Nội dung dự luật phù hợp với chủ trương của Nhà Trắng bởi vấn đề nhập cư đang là một ưu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama. Nếu được thông qua, đây sẽ là thay đổi lớn nhất trong
Luật Cư trú Mỹ kể từ năm 1986.
Tuy nhiên,
dự luật cải cách di trú đã vấp phải sự cản trở không nhỏ tại Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối mạnh mẽ dự luật với lập luận cấp quyền công dân cho những người đã cư ngụ bất hợp pháp là hành động ân xá cho những kẻ phạm pháp. Chủ tịch Hạ viện John Boehner tuyên bố sẽ không chấp nhận xem xét bất kỳ dự luật nào nếu không có sự ủng hộ của hầu hết Hạ nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa; đồng thời khẳng định Hạ viện sẽ không bỏ phiếu dự luật này trong năm nay.
Trong nhiều thập niên gần đây, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ chỉ có thể nhất trí với nhau ở một điểm là đạo luật di dân do Tổng thống Ronald Reagan ký, ban hành năm 1986, đến nay không còn phù hợp. Đạo luật này đã cho phép 3 triệu người di trú nhập quốc tịch Mỹ nhưng không thực hiện được cam kết bảo vệ biên giới trước những người di cư và từ đó đến nay, đã có thêm hàng triệu dân di cư bất hợp pháp vào Mỹ.
Rõ ràng, giấc mơ của 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp muốn trở thành công dân xứ Cờ hoa vẫn còn xa vời do sự bất đồng đảng phái trong Quốc hội Mỹ. Và như vậy, tình trạng nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ đã và sẽ tiếp tục là một thách thức an ninh, xã hội và kinh tế tại đất nước được mệnh danh cường quốc số 1 thế giới.
Kim Phượng - Hà Nội Mới