Hơn 200 đồng hương đã đến tham dự buổi hội thảo rất cần thiết cho đồng hương người Việt về những vấn đề mà họ hằng quan tâm.
Nhiều người xếp hàng đặt câu hỏi với nhân viên di trú về trường hợp của mình.
(Ảnh: Nguyên Huy/Người Việt)
Bốn chuyên viên gồm ông Nam Lộc, ông Steve Linh, ông Nguyên Nguyễn thuộc
Sở Di Trú và bà Angie Hồ Quang thuộc
Sở An Sinh Xã Hội đã dành tới gần 2 tiếng đồng hồ để thuyết trình về những vấn đề trong các đề tài di trú và an sinh xã hội.
Phạm vi trong đề tài
di trú, ông Nam Lộc đã đề cập nhiều đến việc bảo lãnh mà các lớp người đến Hoa Kỳ qua những dạng Thuyền Nhân, ODP và HO, nay đã tương đối ổn định nhưng việc bảo lãnh cho thân nhân vẫn còn được tiếp diễn. Lý do vì có những thay đổi bổ túc các chương trình trên.
Ðoàn tụ gia đình là điều mà cơ quan di trú Hoa Kỳ rất chú trọng, nên khá là phức tạp. Chương trình này có những thứ tự ưu tiên. Thứ nhất là bảo lãnh cho các thân nhân trực hệ do các công dân Hoa Kỳ (những người đã nhập tịch)
bảo lãnh cho vợ chồng và các con độc thân dưới 21 tuổi và cha mẹ. Việc bảo lãnh cũng theo thứ tự ưu tiên cho người đứng bảo lãnh. Trước hết là cho công dân Hoa Kỳ, thứ đến là cho thường trú nhân (có thẻ xanh) rồi mới đến các người tị nạn hay người tạm dung (PIP). Mỗi trường hợp còn có nhiều chi tiết phân định rõ rệt cho từng trường hợp như xin các mẫu đơn thích hợp, xin các chứng từ, điều chỉnh thẻ xanh, chứng từ làm việc...
Trong một buổi hội thảo mà thời giờ hạn định, nên rất khó cho các thuyết trình viên đi sâu vào chi tiết. Vì thế nên ông Nam Lộc đã phổ biến những trang web là www.USCIS.gov và www.HEALTHCARE.gov, mọi người có thể vào tìm hiểu bất cứ một vấn đề gì liên quan đến di trú và cá nhân mình. Trên trang web cũng có sẵn những mẫu đơn để chúng ta điền vào gửi đến các nơi trách nhiệm mà không cần phải đích thân tới.
Ðiều mà ông Nam Lộc nhắc đi nhắc lại rằng “phải là trang web của Sở Di Trú có chữ 'gov' đằng sau mới đúng, còn trang web nào có chữ 'com' đằng sau là của tư nhân, quí vị dùng sẽ phải trả tiền.”
Tiếp ngay sau, bà Angie Hồ Quang đề cập đến nhiều vấn đề về An Sinh Xã Hội như SSI trong đó có tiền hưu là tiền mà mình đã đóng khi còn đi làm trước khi đến tuổi về hưu. Tiền hưu được tính theo những chỉ số. Tiền hưu cũng được tính khi mình còn làm việc sau khi đến tuổi hưu, gọi là tiền hưu trễ được định mức tăng là 8%. Số tiền hưu này, người phối ngẫu, vợ hay chồng, cũng được ăn theo 50% và con cái cũng được hưởng quyền lợi của cha hay mẹ nếu còn trước tuổi 22.
An Sinh Xã Hội và SSI cũng là phần thuốc Medical (Medicaid) được thêm vào chương trình Medicare nếu như lợi tức thấp, độc thân thì thu nhập không quá $2,000, vợ chồng không quá $3,000. Khi xin Medical cần phải có giấy xác nhận của cơ quan An Sinh Xã Hội.
Bốn diễn giả tại hội thảo, từ trái, ông Steve Linh, ông Nam Lộc, bà Angie Hồ Quang,
và ông Nguyên Nguyễn (Sở Di Trú). (Ảnh: Nguyên Huy/Người Việt)
Nói về thẻ An Sinh Xã Hội (Social Security Card) bà Angie khuyên khi được cấp không nên mang theo trong người vì có thể bị thất lạc, mất cắp. Những kẻ xấu khi có được, họ sẽ lợi dụng đứng xin các loại thẻ tín dụng, rút tiền ra bằng tên mình. Hậu quả là mình có thể là con nợ lớn của các ngân hàng và phải trả những món nợ mà mình không vay.
Khi thẻ An Sinh Xã Hội bị mất, mình cũng có thể xin lại tại sở xã hội địa phương, không quá ba lần. Cũng như Sở Di Trú có trang web cung cấp những điều cần thiết cho người dân thì Sở An Sinh Xã Hội cũng có một trang web là www.social security.gov, cung cấp tất cả những tin tức, chi tiết mà sở phụ trách. Cũng có những đơn xin để cho mọi người có thể xin trực tiếp một việc gì chẳng hạn như việc xin tái cấp Thẻ An Sinh Xã Hội chẳng hạn.
Nhắc đến một số thắc mắc chung về việc bảo lãnh thì ông Nam Lộc cho biết các cặp hôn nhân đồng tính có được phép bảo lãnh cho nhau không thì theo phán quyết của Tòa Tối Cao vừa qua, những cặp hôn nhân đồng tính cũng được hưởng tất cả những phúc lợi như những cặp vợ chồng khác phái. Tuy nhiên, các cơ sở tôn giáo còn rất dè dặt trong việc thực hiện nên vấn đề này, còn rất phức tạp.
Sau phần thuyết trình của các chuyên viên về di trú và An Sinh Xã Hội, cuộc hội thảo chuyển qua phần trả lời những thắc mắc và những câu hỏi. Có khá đông đồng hương đã viết sẵn những câu hỏi để các thuyết trình viên giải đáp. Phần lớn các câu hỏi đều thuộc phạm vi bảo lãnh và các trường hợp bảo lãnh.
Vào đúng 11 giờ 15 cuộc hội thảo chung đã được phân chia thành hai nhóm, nhóm một vẫn ngồi trong hội trường để nghe giải đáp những thắc mắc riêng tư nhưng cũng giúp cho người khác hiểu thêm về trường hợp của mình. Còn nhóm kia được ra khỏi hội trường, chia thành những toán nhỏ để lần lượt trực tiếp hỏi các chuyên viên về trường hợp riêng tư, cá biệt của mình.
Ðúng 12 giờ trưa, cuộc hội thảo chấm dứt.
Một cụ bà chậm chân chưa hỏi được đã kéo nhà báo chúng tôi hỏi: “Tôi bảo lãnh cho đứa cháu đích tôn của tôi vì cha nó mới mất không biết có được không hở ông, và được thì làm như thế nào?”
Các nhà báo đều cười nói: “Cụ ơi, đành chờ một dịp khác hay cụ nhờ con cháu hay người thân vào trang web mà các vị ấy vừa cho sẽ được giải đáp.”
Cụ bà nhìn chúng tôi như thầm trách: “Ai mà biết trang web là cái gì!”