Hãng của tôi thời gian đầu thì cũng ráng cầm cự. Khi không có công việc thì cho công nhân đi dọn dẹp, sơn sửa lại tường nhà, máy móc. Nhưng tường nhà thì có hạn, máy móc cũng chẳng lẽ cạo ra sơn lại nên rồi công nhân cũng chẳng còn gì để làm. Thế là hãng phải cho nghỉ việc. Thời gian đầu được nghỉ 4 tháng. Sau đó gọi vô làm trở lại hai tháng rồi tiếp tục cho nghỉ tiếp. Lần thứ hai thì chẳng thấy gọi. Lúc này tôi đang ăn tiền thất nghiệp lại mang bầu đứa con thứ hai. Coi như đứa con cũng may mắn. Mẹ ở nhà ăn tiền thất nghiệp nên con không phải theo mẹ đi làm vất vả.
Một y tá đang đo huyết áp cho bệnh nhân tại một bệnh viện ở Los Angeles.
(Ảnh: Getty Images)
Sanh đứa con trai được hai tháng, thời gian này có chị bạn mách cho tôi một lớp “nursing assistant,” chị cho biết là học rất ngắn ngày mà ra là có việc làm ngay. Thế là tôi lái xe đến ghi danh chứ cũng chẳng biết là công việc như thế nào mà mình có làm được hay không.
Lớp học, đúng ra là lớp huấn luyện, chỉ kéo dài có 6 tuần và học phí chỉ là 450 đô lúc đó. Học thì dễ và nghe giảng như là “professional” ghê lắm. Nghe cái tựa cũng mê: nursing assistant. Học và thực tập chỉ có 6 tuần nhưng phải đọc một cuốn sách dầy cộm. Hai tuần cuối cùng phải đi thực tập trong bệnh viện. Cả nhóm có 10 đứa, mà tôi là đứa lùn nhất. Tôi còn nhớ câu nói của cô giáo hướng dẫn thực tập:
-Hằng, tôi nghĩ là em gặp khó khăn khi đi làm vì em nhỏ nhắn quá.
Dù học chỉ có 6 tuần nhưng cũng phải qua kì thi lí thuyết và thực hành của tiểu bang.
Học hành là một chuyện, khi ra đi làm thì là một chuyện khác. Những gì học trong lớp training chẳng giống việc làm thực tế tí nào.
Tôi xin vào làm việc trong một viện dưỡng lão ở cách nhà khoảng 15 phút lái xe. Vừa xin là tôi được nhận liền dù chẳng có tí kinh nghiệm nào. Lúc này họ chỉ có ca đêm mà thôi, lại là cuối tuần. Tôi nói với chồng là sẽ đi làm ca đêm, một tuần 3 bữa. Nghe nói là làm ca đêm, anh ấy cười và nói:
- Anh đảm bảo em làm cỡ vài tuần là "bay" cho coi, làm đêm không nỗi đâu em. Nhưng nếu ráng được thì ráng rồi khi họ có ca ngày thì xin về ca ngày.
Khu vực tôi làm là nơi bệnh nhân bị Alzheimer's (bệnh lẫn của tuổi già). Khu vực này có 20 bệnh nhân, có một y tá và hai “nursing assistant.” Y tá thì lo những công việc như thuốc men, chăm sóc vết thương, giấy tờ... Còn hai đứa chúng tôi thì chăm lo việc ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh, tắm rửa... Từ “nursing assitant” giờ được gọi thêm một từ nữa là “nurse aide,” có khi gọi tắt là “aide.” Công việc này có lẽ là công việc vất vả nhất trong ngành y, bởi chẳng có bằng cấp gì, chỉ là đem sức lao động ra để phục vụ người già, người bệnh. Trước khi bước vào làm việc nơi đây, tôi không hề biết những cấp bậc trong ngành y tá bởi ở Việt Nam có biết gì về ngành y đâu.
Làm việc ở khu vực này ca đêm thì không có bận rộn lắm. Cô bạn làm chung tên Kathy, to con vạm vỡ. Tuy không hỏi cô ta nặng bao nhiêu nhưng tôi nghĩ chắc không dưới 300 pounds (cỡ 136 kg). Nhờ có Kathy cáng đáng những bệnh nhân nằm liệt giường nên tôi không phải nâng đỡ mấy người này. Bởi vậy tôi phải ráng những công việc lặt vặt để cổ giúp tôi những việc nặng. Bên cạnh đó, Vivian, bà y tá trong khu vực này cũng là sếp của tôi, cũng là người bự con nên hễ có việc là bà giúp. Ba người chúng tôi làm việc rất ăn ý và vui vẻ. Lại là ca đêm nên cũng bày vẽ ra đủ trò khi bệnh nhân đã ngủ.
Tôi đặc biệt để ý đến công việc của Vivian, và tự hỏi là tại sao bà làm được công việc dễ dàng như thế. Trong khi tôi và Kathy còng lưng ra dọn dẹp, lau chùi, tắm táp cho bệnh nhân thì bà chỉ có việc phát thuốc, tiêm thuốc, thay băng cho những vết thương... và làm giấy tờ. Sau một thời gian tìm hiểu thì mới biết khóa học của bà chỉ có một năm (nếu học full-time), ra trường thi lấy bằng LPN và làm việc lương cao gấp đôi “nurse aide.”
Tôi nói trong bụng: “Hay là mình thử cái này, chứ nhỏ con như mình đâu thể làm công việc này mãi?”
Tôi quay lại chỗ học “nurse aide” để hỏi học LPN (practical nursing) thì được người ta chỉ dẫn cho vài nơi. Trời xui đất khiến tôi tìm được một lớp học part-time ca đêm từ 5 đến 10 giờ đêm. Giờ này vô cùng phù hợp cho thời khoá biểu làm việc của tôi. Thế là Thứ Hai, Ba, Tư, Năm, ban ngày tôi ở nhà với con, đưa đi học hành, bác sĩ... 4 giờ rưỡi là giao con cho ba và bà Nội rồi đến lớp. Thứ Sáu, Thứ Bảy và Chủ Nhật thì đi làm mỗi đêm 12 tiếng.
Học 4 bữa, đi làm 3 đêm, coi như thời khoá biểu chật ních. Thú thật, cũng may là học part-time chứ full-time là tôi không thể nào trụ nổi, bởi chương trình LPN rất nặng. Lớp tôi bắt đầu với 42 người vào Tháng Mười Một, năm 2003, tốt nghiệp Tháng Mười Hai, năm 2005 với chỉ 12 sinh viên. Còn lại là rơi rớt dọc đường, phần lớn vì không đủ điểm, số còn lại là vì tài chánh hoặc gia đình.
Phần lớn sinh viên trong lớp tôi đã có gia đình, có con cái, đại loại là không đi đường thẳng mà chọn đường cong, như chúng tôi thường nói, nghĩa là lập gia đình có con cái rồi quay lại học tiếp. Đi theo con đường này thì không dễ dàng tí nào vì ngoài giờ học còn phải làm việc, làm mẹ, làm vợ...
Tôi nhận thấy không chỉ riêng tôi gặp khó khăn, vật lộn với từng môn học mà cả những đứa bạn học chung cũng thế, cho dù tiếng Anh là ngôn ngữ chính của tụi nó.
Thời gian học bài của tôi là mỗi đêm, sau 11 giờ đêm, và cuối tuần tại chỗ làm. Thời gian đầu tôi còn phải sử dụng từ điển. Tự điển điện tử của tôi bấm bip bip suốt đêm làm cho Kathy điên cái đầu nhưng cuối cùng thì cổ cũng quen. Hai đứa làm ca đêm, bắt đầu từ 7 giờ tối. Chúng tôi vào ca là bắt đầu giúp bệnh nhân lên giường, tắm rửa, dọn dẹp... Khoảng 10 giờ là ngồi xuống bàn. Tôi học bài, còn Kathy thì đan móc. Kathy tuy không học hành cao nhưng có một lối nói chuyện rất hay, có lẽ Kathy là người Mỹ nói chuyện hay nhất từ đó đến giờ mà tôi được gặp ở xứ này.
Vì làm ca đêm xa mặt trời nên chúng tôi không gặp nhiều phiền toái như những người làm ca ngày. Nhờ vậy mà tôi có thời gian học bài thoải mái. Chỉ có những đêm bệnh nhân "quậy" quá thì phải chia nhau ra mà canh bệnh nhân. Những người bị bệnh này lẫn rồi thì chẳng biết gì. Có nhiều người tuy còn đi lại được nhưng đầu óc thì như đứa trẻ, hễ bực lên là thậm chí còn đánh cả người chăm sóc. Khi họ vui vẻ thì dễ thương lắm. Có thể trong vòng 5 phút là thay đổi rồi. Mới vừa chửi mình, bảo mình cút về China vì mình không thuộc về xứ họ, năm phút sau là vuốt ve mình và nói "Oh, You are just a cute little thing".
Thời gian đầu còn xin được vài ngàn tiền học, sau phải tự đóng te tua luôn. Tội nghiệp ông chồng tôi cũng ráng cày để vợ có đóng tiền học. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp tôi chỉ nợ một ít tiền học.
Bà Vivian luôn luôn là người động viên tôi trong việc học hành. Bà biết rõ hoàn cảnh của tôi nuôi con nhỏ, con bệnh nhưng biết cố gắng nên luôn giúp đỡ. Nói thật là nhiều đêm tôi gục tại bàn học, bà cũng nhắm mắt bỏ qua hoặc bảo tôi tìm chỗ nào đó nghỉ ngơi. Theo luật là không được ngủ trong giờ làm việc.
Cứ thế, dùi mài mãi rồi cũng đến ngày ra trường.