Little Saigon: Vận động dạy ‘Song Ngữ 2 Chiều Anh - Việt’
(
Đầu tư mỹ) - Nhóm vận động chương trình Song Ngữ Hai Chiều
Anh-Việt (Vietnamese English Language Immersion, VELI) tại học khu Garden Grove tổ chức thảo luận với cộng đồng tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam vào chiều Thứ Bảy, 4 Tháng Năm.
Phần hỏi và đáp trong buối hội thảo về chương trình
Song Ngữ Hai Chiều Anh-Việt VELI (Hình: Thiên An/Người Việt)
Chương trình Song Ngữ Hai Chiều khác với một chương trình dạy ngoại ngữ thông thường. Trong chương trình này, các em ghi danh vào học ngôn ngữ mình muốn. Nếu lấy tiếng Việt của VELI làm ví dụ, các em, sau khi ghi danh học chương trình sẽ tham gia thi xếp lớp khả năng tiếng Việt. Mỗi lớp học sẽ được sắp xếp để bao gồm học sinh đủ mọi trình độ ngôn ngữ Việt, Anh, có thể học chung với nhau. Khi trường dạy các bộ môn học bằng Anh ngữ, các em giỏi tiếng Việt sẽ học tiếng bản xứ từ những em còn lại. Ngược lại, những em đó sẽ “dạy” lại tiếng Việt cho các bạn khi thầy cô chuyển sang dạy bằng Việt ngữ. Chương trình hiện được áp dụng rộng rãi với nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhưng với Tiếng Việt, thì chỉ có hai nơi có là ở Texas và Washington. Nếu học khu Garden Grove tiến hành thực hiện VELI, thì đây sẽ là lần đầu tiên California có một chương trình Song Ngữ Hai Chiều bằng Tiếng Việt.
Có mặt trong buổi thảo luận là các đại diện giáo dục trong học khu Garden Grove và các học khu lân cận, các vị lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng, đại diện dân biểu tiểu bang và liên bang, cũng như các cư dân đủ mọi độ tuổi. Chiếm phần đông nhất tại buổi hội thảo vẫn là các bậc phụ huynh gốc Việt, với niềm hy vọng, chờ đợi có được một chương trình dạy tiếng Việt cho các thế hệ con cái lớn lên ở Mỹ.
Các em học sinh trung học vận động người tham dự ký tên ủng hộ
chương trình dạy Tiếng Việt. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Ông Nguyễn Quốc Bảo, ủy viên học khu Garden Grove và là người tâm huyết với chương trình VELI, phát biểu về sự cần thiết của việc gìn giữ Tiếng Việt: “Có hơn 40,000 học sinh ở California hiện được học song ngữ hai chiều bằng nhiều thứ tiếng, nhưng không có Tiếng Việt.”
Ông kể lại câu chuyện của bản thân. Qua Mỹ từ 3 tháng tuổi, ông nói “trường lớp chỉ dạy Tiếng Anh, không cho mình cơ hội được học Tiếng Việt.” Và ông mong thế hệ “tương lai của cộng đồng” “ít nhất có cơ hội được lựa chọn Tiếng Việt” để theo học.
Cô Huyền Vi, một giáo viên tiểu học tại Garden Grove, thuyết trình về các dẫn chứng khoa học chứng minh sự có lợi của việc học ngôn ngữ khi còn nhỏ, dưới 12 tuổi. Theo các số liệu cô cung cấp, học nhiều ngôn ngữ từ nhỏ không những giúp các em giỏi về ngoại ngữ, mà còn giúp tăng chỉ số thông minh IQ nên dễ thành công hơn trong cuộc sống. Cô cũng đề cập đến việc biết cảm thông giữa các văn hóa sẽ ảnh hưởng tích cực đến nhân cách của học sinh.
Phần hỏi và đáp giữa người tham dự, ban tổ chức, và đại diện nhóm vận động VELI khuấy động hẳn không khí của cuộc thảo luận. Mọi hoài nghi được trình bày trực tiếp, nào là “làm sao có đủ ngân sách?”, “sách giáo khoa ở đâu ra?”, hay “có thầy cô dạy song ngữ Anh- Việt không?”…
Phía vận động VELI từng bước thuyết phục người nghe bằng những câu trả lời với bằng chứng và kinh nghiệm từ chương trình song ngữ hai chiều tại các nơi khác. Nếu Tiến sĩ Phạm Thị Huệ, cố vấn tại trường Orange Coast College cho biết lực lượng thầy cô dạy tiếng Việt là không thiếu, thì cựu đại diện dân biểu Lou Correa, cô Tammy Trần, nói quyền của người dân là phải nói lên nhu cầu của bản thân.
“Chúng ta đã đóng thuế, chúng ta có quyền đòi hỏi số tiền đó phục vụ cho con em chúng ta.” Cô Tammy nói.
Trong khi Giáo sư Quyên Di kể lại chương trình song ngữ Anh-Việt mà ông giúp thực hiện Washington là một minh chứng cho thành công, thì thầy Nguyễn Văn Khoa, chủ tịch ban đại diện các trung tâm Việt Ngữ Nam California, nói các thầy cô Việt ngữ sẽ ủng hộ hết lòng.
Tiến sĩ George West, chủ tịch học khu Garden Grove, tuy bày tỏ các khó khăn về tài chính hiện tại, nhưng cho biết hoàn toàn ủng hộ chương trình. “Quý vị có sự ủng hộ của tôi, hãy tiếp tục vận động, và kiên trì.” Ông nhấn mạnh việc xây dựng một chương trình học mới cần nhiều thời gian.
Tuy gần 200 người tham dự, phòng họp khá trống vì ban tổ chức chuẩn bị rất nhiều ghế cho người dân, theo tầm quan trọng của chương trình VELI trong việc giữ gìn ngôn ngữ cũng như văn hóa Việt Nam tại hải ngoại. “Phụ huynh gốc Việt cần tham gia nhiều hơn nếu muốn Tiếng Việt của chúng ta được dạy ngay tại trường công lập. Chúng ta cần đoàn kết và phải lên tiếng mạnh mẽ.” Ông Nguyễn Quốc Bảo nói.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, một thành viên trong ban vận động cho VELI,
phát biểu trước cộng đồng. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Với những người có mặt tại buổi thảo luận, một số người nói chưa biết và muốn tìm hiểu về VELI, như ông Trúc Trần, cư dân Fountain Valley, một số người khác đã hết lòng đặt kỳ vọng vào học khu Garden Grove sẽ thực hiện chương trình vào một ngày không xa, như ông Bình Văn, cư dân Santa Ana.
Em Alvin Mooc (Mac), học sinh lớp 11 trường Temple City High School, cho biết lý do tình nguyện đến giúp ban tổ chức: “Em không nói được Tiếng Việt. Em hy vọng chương trình này sẽ được thực hiện để các em nhỏ có cơ hội được trường dạy ngôn ngữ này.”
Alvin có lẽ là một trong nhiều thanh thiếu niên gốc Việt mà ông Nguyễn Quốc Bảo nhắc đến trong phần phát biểu: “Con cái chúng ta không hiểu được tiếng nói để trò chuyện với chúng ta, đó là bất công mà cộng đồng Việt Nam phải chịu khi chấp nhận sống ở Hoa Kỳ.”
Theo: Thiên An (nguoi-viet.com)