U.S. Investment
CÔNG TY ĐẦU TƯ MỸ - USI
Công ty TNHH Đầu Tư Mỹ
Hotline: 0909 39 69 99

Tin tức

Tin tức

Những người Mỹ trầm lặng

Từ ngoài nhìn vào nước Mỹ với những tin tức tràn ngập về khủng bố, về tai họa thì cứ nghĩ, nước này đang trong cơn hoảng loạn. Nhưng không, hình như người Mỹ chỉ trầm lặng hơn.

Còn nhớ ngày 11.9.2001, cả nước Mỹ lặng người vì cuộc tấn công khủng bố. Những người bạn cùng làm việc kể, họ bị sốc tới mức không nói được gì. Tất cả đều nghĩ ngợi, nhìn thấy tòa tháp đôi đổ sụp, đi bộ về nhà mà không muốn nói điều gì với người bên cạnh.
 
Nhưng sau khoảnh khắc trầm lặng của người Mỹ là cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Dường như hôm nay cuộc chiến ấy vẫn còn tiếp diễn.
 
Những người Mỹ trầm lặng
Đường phố Washington D.C trong những ngày khó khăn của nước Mỹ - Ảnh: Hiệu Minh 

 
Từ Vienna bên tiểu bang Virginia, tôi đi làm bằng metro về phía Washington D.C. Cũng như mọi ngày khác, toa chật ních người vào giờ cao điểm. Khách đi tàu rất lịch sự, không ăn uống, không nói chuyện ồn ào. Thỉnh thoảng có một số thanh niên đeo tai nghe, mở nhạc quá cỡ nên người bên cạnh vẫn thấy văng vẳng bên tai. Thế nhưng, vài ngày nay không khí trong ga tàu im ắng khác thường. Tất cả chăm chú vào tin trên tờ báo miễn phí Express về đánh bom đẫm máu ở Boston, thư có thuốc độc gửi Tổng thống và vụ nổ kinh hoàng ở Texas. Người ngồi, người đứng đều im lặng đọc báo, thỉnh thoảng có tiếng thở dài.
 
Người đồng nghiệp
 
Vụ nổ bom Boston xảy ra được 15 phút, trong lúc tôi đang làm việc, Julius Haussmann, một đồng nghiệp, chạy sang hốt hoảng, nói tôi liên lạc ngay với Paul A.Ralyea thuộc nhóm tôi quản lý. Paul xin nghỉ phép để tham dự cuộc đua marathon của toàn nước Mỹ. Gọi điện thoại di động đến lần thứ 4 mới nghe tiếng của anh. Hỏi có việc gì không? Anh bảo đang ra sân bay Boston để về D.C. Hóa ra anh đã kết thúc đường đua 42 km trong 3 tiếng 25 phút trước đó gần 1 tiếng.
 
Paul từng dự 4 cuộc thi marathon toàn nước Mỹ ở California, Pennsylvania và lần này là Boston. Để dự được cuộc thi này anh phải chạy tới 20-30 km hằng tuần cùng với bạn. Mục đích không phải là tấm huy chương vàng giá trị 250.000 USD mà chỉ nhằm rèn luyện sức khỏe và tham gia cộng đồng.
 
Paul nghỉ phép, bỏ tiền túi hàng ngàn đô la, mua vé máy bay, thuê khách sạn, trang trải mọi chi phí, chỉ đến đó chạy và về. Tới đích sẽ được tấm huy chương công nhận đã chạy đủ 42 km. Tinh thần thể thao Mỹ là thế, bỏ tiền túi đi thi quốc gia mà không cần bất kỳ sự tài trợ hay huấn luyện viên nào. Thật đau xót, những người về chậm và người đứng xem tại vạch kết thúc đã lãnh hai trái bom tự tạo, nổ cách nhau 6-7 giây, 3 người thiệt mạng và 177 người bị thương. Paul ra phòng chờ máy bay mới biết có vụ kinh hoàng vừa xảy ra. Nếu chậm chút thôi thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Hỏi nghĩ gì về sự kiện đánh bom, anh bảo thật khủng khiếp.
 
Ngay lúc ấy, tôi nhấc máy gọi cho con trai 12 tuổi vừa đi học về. Cu cậu được ở nhà một mình mấy tiếng theo luật của bang. Cậu nói, con đang làm bài tập về nhà. Dù bom nổ ở Boston, cách đó hàng ngàn km, nhưng mỗi ông bố bà mẹ bên Mỹ thường gọi cho con, cho người thân, chỉ để nghe tiếng con nói, và yên lòng. Nhắn tin trên Facebook cho vài người bạn đang làm việc ở Boston, biết mọi người bình an. Hỏi han nhau dù chỉ là vài từ nhắn trên Facebook, hay điện thoại di động, cốt để bản thân cũng yên lòng và người ở nơi xảy ra sự cố không cảm thấy cô độc.
 
Nín thở hướng về Boston
 
Cả ngày hôm sau văn phòng vẫn làm việc bình thường, nhưng thỉnh thoảng mấy đồng nghiệp lại sang “báo cáo tình hình”. Họ làm miệt mài nhưng vẫn nghe ngóng, mắt không thể rời phần tin nóng của Đài CNN hay tờ The Washington Post.
 
Trưa 17.4, vừa đi ăn về thì cậu bạn chạy theo hổn hển "Bắt được kẻ đánh bom rồi". Vào CNN, The Washington Post đều có tít chạy. Chắc chắn các trang web nổi tiếng nghẽn mạch. Nhưng hai mươi phút sau, bên Bộ Tư pháp cải chính "chưa bắt ai" mà chỉ có tiến bộ rất nhiều trong việc tìm ra thủ phạm. Chỉ vài chi tiết đó thôi cũng đủ cho thấy cả nước Mỹ nín thở theo dõi sự kiện Boston.
 
Dường như chưa đủ, ngay sau đó, một kẻ điên rồ đã gửi thư chứa thuốc độc cho Tổng thống Barack Obama và một nghị sĩ. Như thêm dầu vào lửa, mấy chục người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong vụ nổ ở nhà máy phân bón ở Texas. Thủ đô D.C, New York và một số thành phố lớn trong tình trạng báo động cao. An ninh thắt chặt. Vào ngày đánh bom ở Boston, trực thăng lượn liên tục trên bầu trời D.C, buổi tối bay đi bay lại, chiếu đèn pha sáng choang xung quanh khu Nhà Trắng, đồi Capitol.
 
Từ ngoài nhìn vào nước Mỹ với những tin tức tràn ngập về khủng bố, về tai họa thì cứ nghĩ, nước này đang trong cơn hoảng loạn. Nhưng quán hàng vẫn mở bình thường, dân chúng vẫn tới sở, vẫn làm việc, vẫn sáng tạo, người đi lại vẫn đông, nhưng ai cũng vẻ mặt tư lự. Tôi ghé qua phía Nhà Trắng, thấy đèn vẫn sáng, chỉ có điều an ninh tăng lên rõ rệt. Đại lộ Pennsylvania chạy qua trước Nhà Trắng đã bị chặn từ phía ngoài và vườn hoa La Fayette, trong khi ngày thường luôn đầy khách du lịch cả ngày lẫn đêm.
 
Tổng thống Obama tới Boston để chia sẻ với các nạn nhân và động viên dân chúng. Nhưng có lẽ người Mỹ thích nghe tin một nghi phạm bị bắn chết và nghi phạm thứ hai đang bị săn lùng ở Boston bởi 9.000 cảnh sát cùng quân cảnh hơn là nghe ông Obama nói trong nghẹn ngào.
 
Tối nay (19.4) hàng chục triệu người Mỹ nín thở theo dõi các kênh ti vi truyền trực tiếp từ thành phố Watertown. Kẻ khủng bố thứ hai đang náu trên một chiếc thuyền phía sau vườn của ngôi nhà 67 Franklin bỗng nhiên nổi tiếng khắp thế giới.
 
Những người Mỹ trầm lặng
 
Chưa tiêu diệt hay bắt được nghi phạm thứ hai thì Mỹ chưa thể nói đã về đến đích trong cuộc marathon bất đắc dĩ này. Như Paul nói, nếu không về đích thì không thể có tấm huy chương. Thật may mắn, vào lúc 8 giờ 48 phút giờ Boston, nghi phạm Dzhokar Tsarnaev 19 tuổi đã bị bắt sống sau 24 giờ truy đuổi đến ngạt thở.
 
Tiểu thuyết Người Mỹ trầm lặng của Graham Green nói về nước Mỹ có con người hấp dẫn, lịch thiệp, nhưng đến bất cứ đâu, cũng có mục đích lặng lẽ nào đó. Cuộc săn lùng kẻ khủng bố đã kết thúc, nhưng tìm ra ai đứng sau cần nhiều thời gian hơn và để học được những gì sau những sự cố trên. Rất có thể sau trận bom Boston, những người Mỹ sẽ tiếp tục... trầm lặng như sau vụ 11.9. Bởi những cuộc đua marathon vẫn tiếp tục vào những năm tới. Họ không thể để những vận động viên khỏe mạnh chạy tới vạch kết thúc lại mất cả chân tay vì những kẻ điên rồ ngay tại nước Mỹ.
 
Đầu tư mỹ - theo Hiệu Minh (Washington D.C - thanhnien.com.vn)

Bạn cần biết thêm chi tiết? Vui lòng ĐẶT CÂU HỎI, hoặc liên lạc trực tiếp với chúng tôi qua hotline +84 (0) 909 39 69 99 để được tư vấn.