ĐIỀU KHOẢN 214(B) LUẬT DI TRÚ NHẬP TỊCH HOA KỲ (INA)
Điều khoản 214(b) của Bộ Luật Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ (INA) là điều khoản thường được áp dụng cho đương đơn bị từ chối cấp thị thực không di dân. Để biết thêm thông tin về việc từ chối cấp thị thực, vui lòng xem trên trang web Lãnh Sự thuộc
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Viên chức phỏng vấn phải áp dụng điều khoản 214(b) của
Bộ Luật Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ (INA) để quyết định xem đương đơn có đủ điều kiện được cấp thị thực hay không. Một phần điều khoản này nêu rằng:
“Mỗi ngoại kiều [đương đơn xin
thị thực] chắc chắn sẽ được coi như có ý định nhập cư cho đến khi đương đơn, vào thời điểm xin cấp thị thực, thuyết phục được viên chức lãnh sự rằng đương đơn hội đủ điều kiện được cấp thị thực không di dân”.
Điều đó có nghĩa là viên chức Lãnh Sự xem xét trường hợp của đương đơn dựa trên tinh thần của điều luật, luôn cho rằng đương đơn có ý định định cư tại Hoa Kỳ cho đến khi đương đơn chứng minh được điều ngược lại. Cần nhấn mạnh rằng bản thân đương đơn phải có trách nhiệm chứng minh đương đơn hội đủ tiêu chuẩn để được cấp thị thực.
Đương đơn xin
thị thực phải thuyết phục được viên chức Lãnh Sự những điều sau:
-
đương đơn sẽ rời khỏi Hoa Kỳ sau thời gian lưu trú tạm thời;
-
đương đơn có đủ khả năng tài chính để chi trả cho chuyến đi của mình mà không tìm việc làm bất hợp pháp trong thời gian ở Hoa Kỳ; và
-
đương đơn phải sử dụng loại thị thực được cấp đúng mục đích và hợp pháp
Đương đơn có thể đưa ra những chứng cứ dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng khi tổng hợp lại, những chứng cứ này phải đủ để viên chức phỏng vấn đánh giá được hoàn cảnh chung của đương đơn và tin rằng những mối ràng buộc về xã hội, gia đình, kinh tế và các ràng buộc khác của đương đơn tại Việt Nam là lý do buộc đương đơn phải rời khỏi Hoa Kỳ sau khi kết thúc thời gian lưu trú tạm thời.
“Những ràng buộc” là các khía cạnh cuộc sống của đương đơn ràng buộc đương đơn với nơi mình cư trú, bao gồm các mối quan hệ gia đình, công việc và tài sản. Trong trường hợp những đương đơn nhỏ tuổi chưa thể thiết lập được những ràng buộc nói trên, viên chức phỏng vấn sẽ xem xét trình độ học vấn, điểm số học tập, nghề nghiệp của cha mẹ, và những kế hoạch dài hạn cũng như triển vọng của đương đơn ở Việt Nam. Vì mỗi đương đơn mỗi hoàn cảnh khác nhau, do đó sẽ không có bất kỳ câu trả lời mẫu nào chứng minh được những ràng buộc này.
Mỗi đương đơn nên chuẩn bị để trình bày trường hợp của mình thật rõ ràng và súc tích. Đương đơn có thể yêu cầu buổi phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
Những ràng buộc cụ thể có đủ thuyết phục để được cấp thị thực hay không khác nhau tuỳ thuộc vào từng quốc gia, vào từng nền văn hoá, và tuỳ từng cá nhân. Tất cả các viên chức Lãnh Sự đều có kiến thức về tình hình địa phương và luật di trú Hoa Kỳ để giúp họ đưa ra quyết định này.
Điều khoản 214(b) không được áp dụng vĩnh viễn. Nếu đương đơn đã bị từ chối cấp thị thực trước đây, nhưng hiện tại đương đơn có thêm thông tin mới, hoặc nếu hoàn cảnh chung của đương đơn thay đổi đáng kể, đương đơn có thể nộp đơn xin phỏng vấn lại theo đúng thủ tục như các đương đơn khác. Tái phỏng vấn là cách duy nhất để hồ sơ của đương đơn được xem xét lại.
Một quan niệm sai lầm phổ biến về điều khoản 214(b) khi cho rằng chỉ cần bổ sung thêm hồ sơ là có thể hội đủ điều kiện được cấp
thị thực. Tuy nhiên, quyết định về thị thực không đơn thuần chỉ dựa trên giấy tờ. Đúng hơn, viên chức Lãnh Sự xem xét hoàn cảnh chung của đương đơn để quyết định xem trường hợp của đương đơn có nằm ngoài giả định của luật pháp Hoa Kỳ khi cho rằng đương đơn có ý định định cư hay không. Các giấy tờ cần thiết được liệt kê trên điện thoại văn phòng và trên trang web của chúng tôi có thể giúp viên chức Lãnh Sự có những quyết định đúng đắn, tuy nhiên, không một giấy tờ riêng lẻ hay một thông tin nào bảo đảm việc được cấp thị thực.