Chuyển Chiếu Khán L-1 sang Chiếu Khán Đầu Tư EB5
Chiếu khán (visa) L-1 là con đường dành cho một công ty đưa một viên quản lý hoặc một nhân viên điều hành sang Hoa Kỳ làm việc.
Con đường này có thể hoàn thành qua 2 cách. Cách thứ nhất là chuyển người làm việc trong cùng một công ty. Ðiều này có nghĩa là công ty đã có một chi nhánh tại Hoa Kỳ và đương đơn xin chiếu khán L-1 sẽ đến Hoa Kỳ với vai trò nhân viên quản lý hoặc nhân viên điều hành làm việc tại chi nhánh ở Hoa Kỳ của công ty mẹ . Loại chiếu khán L-1 này đòi hỏi bằng chứng những sinh hoạt công việc của chi nhánh Hoa Kỳ. Cũng phải có bằng chứng đương đơn có chiếu khán L-1 sẽ thực sự làm việc với chức vụ quản lý hoặc điều hành.
Cách thứ hai là công ty cử nhân viên quản lý hoặc nhân viên điều hành đến Hoa Kỳ để khởi sự thiết lập một chi nhánh cho công ty. Loại chiếu khán L-1A khởi sự này đòi hỏi bằng chứng vốn đầu tư cho chi nhánh Hoa Kỳ, bằng chứng về nơi làm việc thích hợp và một bản kế hoạch công việc tổng thể và thuyết phục.
Chiếu khán L-1 là loại chiếu khán phi di dân, nhưng cho phép họ có thể nộp đơn xin chuyển diện thường trú nhân sau khi làm việc ở Hoa Kỳ và được chi nhánh Hoa Kỳ của công ty thuê.
Ðể có thể được cấp chiếu khán L-1, chi nhánh tại Hoa Kỳ của công ty phải thực sự làm việc tại Hoa Kỳ, hoặc thực hiện kế hoạch làm việc trong vòng một năm khởi sự. “Làm việc” có nghĩa là cung cấp sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ. Phải “làm việc” trong ý nghĩa thông thường, nhưng không bị đòi hỏi phải liên quan đến mậu dịch quốc tế. Nhưng “làm việc” không có nghĩa là chỉ có một nhân viên hoặc chỉ là một văn phòng ở Hoa Kỳ.
Ðể hội đủ điều kiện xin chiếu khán L-1 với vai trò nhân viên điều hành, người này phải có trách nhiệm đưa ra tất cả những quyết định về việc điều hành chi nhánh Hoa Kỳ của công ty. Cả hai nhân viên điều hành và nhân viên quản lý xin chiếu khán L-1 thường phải có bằng Cử nhân và thông thạo Anh ngữ.
Một nhân viên quản lý có chiếu khán L-1 giám sát và kiểm soát việc làm của những chuyên viên và quản trị tổ chức, hoặc một phòng, một ban ngành, một bộ phận hoặc một thành phần của tổ chức. Một quản lý cũng có thể là người quản trị một chức năng cần thiết của tổ chức ở chức vụ cao mà không bị sự giám sát trực tiếp của những người khác.
Nếu công ty gửi một nhân viên quản lý hoặc nhân viên điều hành trong loại chiếu khán L-1, phải có bằng chứng họ đã thuê một trụ sở chi nhánh Hoa Kỳ với diện tích thích hợp để hoạt động công việc mới. Tương tự, nhân viên quản lý và điều hành phải từng làm việc tại công ty mẹ với chức vụ điều hành hoặc quản lý trong một năm liên tục trong ba năm làm việc trước khi nộp đơn xin chiếu khán.
Sau cùng, phải có bằng chứng cho thấy chi nhánh mới ở Hoa Kỳ sẽ trợ giúp nhân viên điều hành hoặc quản lý trong một năm khi đơn được chấp thuận. “Trợ giúp” có nghĩa là những hoạt động công việc của văn phòng chi nhánh sẽ cấp lương bổng thích hợp cho nhân viên điều hành hoặc quản lý, và có một lợi tức thích hợp cho sự thành công của công việc. Ðây là lý do tại sao một kế hoạch làm việc tốt là điều cần thiết cho các đương đơn xin chiếu khán L-1 để khởi sự công việc ở Hoa Kỳ.
Người có chiếu khán L-1 có thể lưu lại Hoa Kỳ bao lâu? Các nhân viên được chuyển sang chi nhánh đã có sẵn ở Hoa Kỳ có thể ở ba năm, và có thể gia hạn tổng cộng lên đến bảy năm.
Các nhân viên L-1 nhập cảnh Hoa Kỳ để lập một văn phòng mới sẽ được phép ở tối đa một năm. Họ có thể yêu cầu gia hạn sau đó nếu chi nhánh mới hoạt động trong chiều hướng tốt đẹp.
Nhân viên được chuyển đến Hoa Kỳ làm việc có thể mang theo vợ/chồng và con độc thân dưới 21 tuổi. Họ có thể xin nhập cảnh với chiếu khán loại phi di dân L-2.
Có một số lý do tại sao các đương đơn xin chiếu khán L-1 thường bị từ chối. Lý do chính là số nhân viên không đủ hoặc diện tích nơi làm việc không thích hợp trong công ty chi nhánh ở Hoa Kỳ.
Lý do khác có thể là người quản lý không có vị trí cao trong công ty. Thí dụ, một viên quản lý trong một tiệm bán thức ăn nhanh (fast food) sẽ không đủ tiêu chuẩn cho chiếu khán L-1A, nhưng người quản lý một toán trong công ty Google có thể thích hợp. Một viên quản lý phải giám sát những nhân viên khác trong một bộ phận đặc biệt hoặc giám sát chức năng chính trong công ty.
Người điều hành phải là “sếp lớn” trong chi nhánh Hoa Kỳ của công ty. Họ phải có thẩm quyền đưa ra những quyết định lớn mà không cần sự chấp thuận hoặc giám sát của công ty mẹ.
Một chi nhánh ở Hoa Kỳ mà chỉ có một hai nhân viên thì hiển nhiên không cần người quản lý hoặc nhân viên điều hành từ nước ngoài đến. Số nhân viên phải phù hợp với độ lớn và loại công việc.
Ðôi khi bổn phận và chức vụ không tương đồng. Không chỉ vì quý vị mang danh “quản lý” hoặc “điều hành” thì đương nhiên hội đủ điều kiện để xin chiếu khán L-1. Quý vị phải là người có khả năng giám sát và kiểm soát hữu hiệu công việc của nhân viên hoặc đưa ra những quyết định quan trọng trong công ty.
Một số người hỏi rằng: Tôi có thể chuyển chiếu khán L-1 sang chiếu khán
đầu tư EB5 không? Trong hầu hết trường hợp, câu trả lời là “được”. Có được chiếu khán L-1 tương đối nhanh chóng, nhưng với chiếu khán đầu tư EB5 đòi hỏi thời gian chờ đợi từ một năm trở lên. Vì thế, một số nhà đầu tư muốn đến Hoa Kỳ với chiếu khán L-1 trước và lập một chi nhánh của họ tại Hoa Kỳ từ công ty mẹ ở Việt Nam. Sau khi đến Hoa Kỳ, họ lập kế hoạch đầu tư trực tiếp với số vốn đầu tư được yêu cầu để nộp đơn xin chiếu khán đầu tư EB5.
Có một số câu hỏi liên quan như sau: Các nhà đầu tư EB5 có thể đầu tư vào một doanh vụ đã có sẵn không? Câu trả lời là “được”. Người đầu tư có thể đầu tư vào một doanh vụ đã có sẵn nếu việc đầu tư này làm gia tăng doanh vụ lên 40% hoặc làm gia tăng số người làm việc.
Một gợi ý khác cho người có chiếu khán L-1 là đầu tư trực tiếp tiền của mình để tạo một doanh thương mại mới.
Cách chọn thứ ba là người có chiếu khán L-1 lập một doanh nghiệp mới và dùng doanh nghiệp mới này mua văn phòng chi nhánh Hoa Kỳ đang có của mình từ công ty ở Việt Nam.
Và không có giới hạn số người hùn hạp đầu tư trực tiếp EB5 trong bất cứ liên doanh thương mại mới, nếu việc đầu tư 1.000.000 USD tiếp tục mang lại công việc làm cho ít nhất 10 người làm việc toàn thời gian. Vì thế, một nhóm người đầu tư ngoại quốc được phép hùn hạp với nhau trong liên doanh thương mại.
Lê Minh Hải - Báo Trẻ Online