Bảo lãnh thân nhân - Mẫu Ðơn I-130 Phần II
Như đã trình bày vào kỳ trước, những giấy tờ cần thiết để bảo lãnh thân nhân và nêu lên những trường hợp điển hình bảo lãnh cho Anh, Chị, Em cùng Mẹ (hoặc cùng Cha và Mẹ), kỳ này tôi sẽ nêu lên thêm vài trường hợp điển hình khác và những giấy tờ cần thiết cần phải nộp chung với đơn I-130.
Trong trường hợp
Con bảo lãnh cho Mẹ thì phải có bằng quốc tịch của người Con, khai sanh của người Con và khai sanh của người Mẹ. Trong trường hợp này, bằng quốc tịch của người Con phải được nộp với
đơn I-130 vì chỉ có Con là công dân Hoa Kỳ mới có quyền bảo lãnh cho Cha Mẹ. Khai sanh của người Con được dùng để chứng minh sự liên hệ Mẹ Con và khai sanh của người Mẹ được dùng để chứng minh thân thế của “người thừa hưởng” tức là người Mẹ.
(Bảo lãnh thân nhân - Mẫu Ðơn I-130, Ảnh: minh họa)
Trong trường hợp Mẹ bảo lãnh cho Con (độc thân hay có gia đình). Nộp theo
đơn I-130 phải có bản sao của
thẻ xanh hoặc bằng quốc tịch Hoa Kỳ của người Mẹ và khai sanh của người Con. Quí bạn đọc nên lưu ý trong trường hợp Mẹ bảo lãnh cho Con có gia đình, người Mẹ phải có bằng quốc tịch mới được bảo lãnh vì thường trú nhân không được bảo lãnh cho Con đã có gia đình. Khai sanh của người Con được dùng để chứng minh sự liên hệ gia đình và thân thế của “người thừa hưởng.”
Trong trường hợp Con bảo lãnh cho Cha hoặc Cha bảo lãnh cho Con thì phức tạp hơn những diện bảo lãnh thân nhân khác.
Luật di trú phân tích sự liên hệ Cha Con tùy thuộc vào Con trong giá thú hay Con ngoài giá thú. Nếu là Con trong giá thú, thì ngoài những giấy tờ nêu trên giống trong trường hợp Con bảo lãnh cho Mẹ hoặc Mẹ bảo lãnh cho Con, và cần phải có thêm hôn thú của Cha Mẹ để chứng minh lúc người con sanh ra Cha Mẹ của họ có hôn thú. Nếu là Con ngoài giá thú, thì có hai cách để chứng minh là Con. Cách thứ nhất là Cha Con có sự quan hệ Cha Con chân thật trước khi người Con trở thành 21 tuổi. Cách thứ hai là người Con đã được hợp pháp hóa thành Con trước khi người Con trở thành 18 tuổi.
Cách thứ nhất là Cha Con có sự quan hệ Cha Con chân thật. Quan hệ đó có thể chứng minh rằng người Cha có lo lắng cho Con về mặt tài chánh và dạy dỗ. Ðiển hình là người Cha gởi tiền cho người Con hoặc thư từ qua lại trước khi người Con trở thành 21 tuổi.
Cách thứ hai là người Con đã được hợp pháp hóa thành Con. Hợp pháp hóa bằng cách người Cha và người Mẹ lập hôn thú hoặc có phán quyết của tòa. Sự hợp pháp hóa Cha Con phải được xảy ra trước khi người Con trở thành 18 tuổi.
Quí bạn đọc nên lưu ý, những điển hình nêu trên chỉ là một vài điển hình chứng minh sự quan hệ Cha Con chân thật hoặc người Con đã được hợp pháp hóa. Ngoài ra còn nhiều cách khác để chứng minh một trong hai điều nêu trên. Quí vị nên liên lạc với một người luật sư am tường về
luật di trú của quí vị để tham khảo tường tận những phương cách hội đủ điều kiện để bảo lãnh cho thân nhân.
LS Nguyễn Ngọc Chương - Người Việt Online
Xem tiếp: