Những vấn đề Di trú đáng quan tâm hiện nay
Quốc hội Hoa Kỳ đang tính toán ra sao về dự luật Cải Tổ Di Trú Toàn Diện?
Trong chủ đề
di trú kỳ này, chúng tôi sẽ trả lời một số câu hỏi mà văn phòng Robert Mullins đã nhận được gần đây.
- Câu hỏi đầu tiên của một nữ thính giả có
Thẻ Xanh 2 năm. Cô sẽ phải nộp
đơn xin Thẻ Xanh chính thức trong thời gian 90 ngày trước khi Thẻ Xanh tạm thời hết hạn. Cô hỏi rằng “Tôi có thể nộp đơn xin Thẻ Xanh chính thức nếu chồng tôi và tôi ly dị hoặc ly thân không?”.
Không có đòi hỏi nào bắt buộc phải sống trong tình trạng hôn nhân khó khăn hoặc bị ngược đãi. Nếu vợ chồng nộp đơn xin ly dị trước khi Thẻ Xanh hai năm hết hạn, người có Thẻ Xanh vẫn có thể nộp đơn xin Thẻ Xanh chính thức. Đơn xin Thẻ Xanh chính thức sẽ nộp ngay sau khi tình trạng ly dị được hợp pháp hóa, mặc dù có thể sớm hơn 90 ngày trước khi
Thẻ Xanh tạm thời hết hạn. Họ sẽ cần phải cung cấp những bằng chứng thể hiện cuộc hôn nhân của họ là có thật và họ không kết hôn chỉ vì Thẻ Xanh.
Hoặc, nếu người có Thẻ Xanh bị người hôn phối công dân Mỹ hoặc Thường trú nhân ngược đãi, họ vẫn có thể nộp đơn xin Thẻ Xanh chính thức trước khi đơn xin ly dị được hợp pháp hóa, nhưng họ sẽ cần phải chứng minh cuộc hôn nhân của họ trước đây có thật và không kết hôn chỉ vì muốn có Thẻ Xanh. Họ cũng sẽ phải chứng minh về sự ngược đãi này.
Di Trú Mỹ những vấn đề đáng quan tâm hiện nay (Ảnh: minh họa)
- Một thính giả khác hỏi về cháu của ông ta có chiếu khán
visa du học. Ông hỏi rằng nếu cháu của ông trở về Việt Nam qua có sẽ gặp rắc rối không. Câu trả lời là Bộ Nội An Hoa Kỳ hiện nay rất quan tâm đến những học sinh hoặc sinh viên du học tái nhập cảnh Hoa Kỳ sau khi trở về thăm quê hương.
Bộ Nội An Hoa Kỳ đã ra lệnh các nhân viên kiểm soát biên phòng phải xem xét tất cả những sinh viên ngoại quốc đến Mỹ với
chiếu khán du học còn hiệu lực. Sự thay đổi về an ninh có thể gây trở ngại cho những sinh viên quay trở lại Hoa Kỳ, nhưng nếu chiếu khán du học của họ còn hiệu lực, họ sẽ được phép tái
nhập cảnh Hoa Kỳ.
Với phương thức mới hiện nay, các nhân viên biên phòng sẽ kiểm lại quy chế chiếu khán của sinh viên trong Hệ Thống Thông Tin Du Khách Và Trao Đổi Sinh Viên của Bộ Nội An (tức Student and Exchange Visitor Information System, gọi tắt là SEVIS) trước khi các sinh viên này đến Mỹ, bằng cách kiểm soát tên trong danh sách khách trên máy bay. Nếu thông tin chưa có, các nhân viên này sẽ kiểm bằng tay trong trung tâm của họ, nơi lưu trữ những thông tin của những người trước khi đến Mỹ để kiểm tra tình trạng đe dọa khủng bố có thể xảy ra.
Trước đây, hệ thống SEVIS là nơi chứa những thông tin cập nhật mới nhất về chiếu khán du học và tình trạng ghi danh học, nhưng chưa được cung cấp cho các nhân viên kiểm soát sổ thông hành (passport). Tình trạng của người du học chỉ bị xem xét nếu một nhân viên thứ hai yêu cầu điều tra thêm.
- Một vấn đề khác yêu cầu chúng tôi trả lời liên quan đến tình trạng của những hồ sơ bảo lãnh diện F2B và vấn đề này đã được đưa lên Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ năm ngoái. Vào đầu Tháng 6 năm nay, Bộ Tư Pháp yêu cầu Tối Cao Pháp Viện không chấp thuận việc xem xét lại diện F2B vì vấn đề này đang nằm trong dự luật
Cải Tổ Di Trú Toàn Diện mới. Dự luật Cải Tổ Di Trú Toàn Diện nói rõ rằng khi cha-mẹ tại Hoa Kỳ nộp đơn mới bảo lãnh diện F2B cho những người con phải ở lại Việt Nam, thì đơn bảo lãnh mới này được sử dụng ngày ưu tiên của đơn bảo lãnh diện F-3 và F-4 trước đây của cha-mẹ. Điều này có nghĩa là con của họ sẽ được duyệt xét cấp chiếu khán ngay tức thì và sẽ không phải đợi nhiều năm cho đến khi hồ sơ đáo hạn.
Những người ủng hộ lại nói rằng Tối Cao Pháp Viện nên chấp thuận những lợi ích dành cho diện F2B vì không ai có thể biết chắc rằng dự luật Cải Tổ Di Trú Toàn Diện có thể trở thành luật chính thức hay không.
Vì thế, vấn đề này hiện nằm trong tay Tối Cao Pháp Viện. Cũng phải mất vài tháng mới có thể có câu trả lời. Vào thời điểm đó, chúng ta cũng sẽ biết dự luật Cải Tổ Di Trú Toàn Diện sẽ trở thành luật chính thức hay không.
Nhiều người vẫn quan tâm đến ông Michael Sestak, từng là nhân viên lãnh sự Hoa Kỳ cao cấp ở Sài Gòn, đã tham ô ít nhất 10 triệu Mỹ kim qua những
dịch vụ cấp chiếu khán ăn tiền bất hợp pháp. Sestak hiện đang bị giam không được đóng tiền tại ngoại hầu tra khi đợi xét xử, và chính phủ vẫn đang truy tìm và bắt giam bất cứ những người Việt Nam đồng lõa hiện đang ở Hoa Kỳ.
Trên diễn đàn blog điện tử có tên là “Diplopundit”, ấn bản ngày 9/6/2013 vừa qua đã đăng một bản tường trình rất hấp dẫn và bao quát về vấn đề này. Hai tờ báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên ở Việt Nam vừa tiết lộ thêm một số chi tiết về việc này, bao gồm danh tính của tất cả nhân viên người Việt Nam đã can dự vào vấn đề phạm pháp kể trên.
Theo bản tường trình kể trên, các nhân viên điều tra Hoa Kỳ đã tịch thu sổ thông hành ngoại giao của ông Sestak vào đầu tháng 5 năm 2013, phối hợp với nhân viên di trú Thái Lan bắt giữ ông ta tại Phuket, nơi ông ta đã mua khá nhiều tài sản sang trọng. Các nhân viên điều tra của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đang giam giữ ông tại trung tâm nhà giam di trú tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Quốc hội Hoa Kỳ đang tính toán ra sao về dự luật Cải Tổ Di Trú Toàn Diện? Nhiều dân biểu của đảng Cộng Hòa đòi hỏi vấn đề an ninh biên giới phải là một trong những ưu tiên cần phải thực hiện. Nếu điều này không được giải quyết, họ sẽ không thể bỏ phiếu chấp thuận ân xá cho khoảng 11 triệu ngoại kiều bất hợp pháp ở Hoa Kỳ.
Trong tuần qua, các nghị sĩ thuộc hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đã đạt thỏa thuận về kế hoạch trang bị theo dạng quân đội, rất tốn kém, để bảo vệ an ninh vùng biên giới còn lỏng lẻo giữa Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ. Thỏa thuận này sẽ cho phép thông qua dự luật S.744, giúp cho hàng triệu di dân bất hợp pháp cơ hội được quốc tịch hóa.
Kế hoạch an ninh biên giới của hai đảng trong
dự luật Cải Tổ Di Trú Toàn Diện đòi hỏi phải tăng gấp đôi bộ phận Kiểm Soát Biên Giới, với 20,000 nhân viên mới, 18 máy bay dò thám không người lái mới, xây hàng rào mới dài 350 dặm và những dụng cụ điện tử đặt cố định và lưu động để kiểm soát an ninh. Kết quả có thể sẽ là vùng biên giới được quân sự hóa.
Dự luật Cải Tổ Di Trú Toàn Diện của Thượng viện kỳ vọng sẽ được bỏ phiếu vào cuối tuần này. Sau đó sẽ đến lượt bỏ phiếu của Hạ viện, nơi mà hầu hết các dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa chống lại việc cấp quốc tịch cho những di dân sống bất hợp pháp ở Hoa Kỳ. Sau khi Hạ viện quyết định kế hoạch riêng về dự luật Cải Tổ Di Trú Toàn Diện, những cuộc thảo luận của Hạ viện và Thượng viện sẽ diễn ra vào mùa Thu để xem họ có thể tiến đến một thỏa thuận chung về nội dung sau cùng của bản dự luật Cải Tổ Di Trú Toàn Diện hay không.
Đạo luật Cải Tổ Di Trú Toàn Diện mới, nếu được thông qua, sẽ mang lại cơ hội quốc tịch cho người di dân bất hợp pháp. Nhưng trước hết, họ sẽ chỉ được cấp quy chế hợp lệ tạm thời và họ sẽ phải chờ ít nhất 10 năm mới có thể hợp lệ xin
Thẻ Xanh Thường trú nhân.
- Sau cùng, văn phòng chúng tôi nhận được câu hỏi liên quan đến một người con đến Mỹ qua đơn bảo lãnh của người cha kế công dân Mỹ. Vậy người con này có thể nộp đơn thi quốc tịch N-400 sau khi ở Mỹ chỉ cần 3 năm không?
Quy định cư trú ba năm chỉ áp dụng cho người hôn phối ngoại kiều. Đối với con riêng của người hôn phối, người con này có hai cách để trở thành công dân Mỹ. Cách đầu tiên, người con này phải đợi sống ở Mỹ đủ 5 năm và ít nhất phải 18 tuổi. Cách thứ hai là có thể nộp đơn xin Chứng Chỉ Công Dân Mỹ khi người mẹ di dân qua Hoa Kỳ và có quốc tịch Mỹ, nhưng người con này phải dưới 18 tuổi vào thời điểm nộp đơn xin Chứng Chỉ Công Dân Mỹ. Nếu trên 18 tuổi, người con này phải đợi cho đủ thời gian
thường trú ở Mỹ trên 5 năm.
Theo: baotreonline