U.S. Investment
CÔNG TY ĐẦU TƯ MỸ - USI
Công ty TNHH Đầu Tư Mỹ
Hotline: 0909 39 69 99

Tin tức

Tin tức

Cải tổ di trú: Thượng Hạ chẳng giống nhau!

Đầu tư mỹ - Chiều Thứ Năm tuần này lúc bên Thượng Viện mới bắt đầu bỏ phiếu thông qua dự luật cải tổ di trú, bên Hạ Viện đã xôn xao với tin ông Chủ Tịch John Boehner và đồng minh chính trị lắc đầu không chấp nhận, cho rằng dự luật “không phản ánh những đòi hỏi của người dân.”

Cải tổ di trú: Thượng Hạ chẳng giống nhau
Thượng Nghị Sĩ John McCain (Cộng Hòa-Arizona) và Thượng Nghị Sĩ Charles Schumer
(Dân Chủ-New York) vui mừng sau khi Thượng Viện thông qua dự luật cải tổ di trú.
(Hình: Alex Wong/Getty Images)

Chuyện Hạ Viện Cộng Hòa không đồng ý với dự luật do Thượng Viện Dân Chủ soạn thảo là điều mọi người đều biết trước. Ngay từ đầu năm khi 8 vị nghị sĩ (gồm 4 Dân Chủ và 4 Cộng Hòa) đồng ý gặp nhau để giải quyết “vấn nạn của quốc gia” (chữ được Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa John McCain và dồng viện Dân Chủ Robert Menendez sử dụng), văn phòng Chủ Tịch Hạ Viện đã bắn tiếng nói cũng sẽ đưa ra một dự luật để giải quyết trường hợp của hơn 11 triệu người đang cư ngụ bất hợp pháp trên đất Mỹ. Ðiều đó có nghĩa là Thượng Viện và Hạ Viện sẽ có những điềm khác nhau, cần phải gặp gỡ để giải quyết trước khi dự luật được 2 bên cùng thông qua. Ðòi hỏi của Hạ Viện vẫn là vấn đề an ninh biên giới, buộc hành pháp phải cam kết không để tình trạng người nhập cư bất hợp pháp xảy ra, đồng thời muốn có những điều kiện khó khăn hơn trước khi cho thành phần này được nhập tịch.
 
Tin hành lang Quốc Hội cho thấy chỉ riêng điều này không thôi, điều kiện của Thượng Viện đưa ra là “ít nhất 13 năm sau ngày điều chỉnh tình trạng di trú mới được nhập tịch” vẫn bị các vị dân cử Cộng Hòa xem là quá dễ dàng, vì “những công dân Hoa Kỳ tương lai này là những người đã cố ý vào Mỹ bất hợp pháp hay ở lại Mỹ bất hợp pháp” trong khi Hoa Kỳ là quốc gia thượng tôn pháp luật. Theo quan điểm của cánh Cộng Hòa, thời hạn cho phép người nhập cư bất hợp pháp “phải lâu hơn và tùy thuộc vào báo cáo an ninh hàng năm hành pháp phải đệ trình cho Quốc Hội,” nếu báo cáo hàng năm này nói số người trốn vào Mỹ giảm, lúc đó luật cư trú sẽ tiếp tục được thi hành, trong trường hợp số người trốn sang Mỹ vẫn ở mức đáng ngại, lúc đó luật cư trú đương nhiên mất hiệu lực. Ông Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner có nói rõ điều này, “khi chúng ta muốn giải quyết một vấn đề, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo vấn đề đó không tái diễn trong tương lai,” một trong những cố vấn chính trị của ông chủ tịch còn nói, “Nếu ra một đạo luật rồi vài năm sau đó lại phải ra đạo luật tương tự, thì Quốc Hội sẽ bị dân chúng chê bai là không nhìn xa hay không biết cách ngăn chặn làn sóng người nhập cư bất hợp pháp.”
 
Dù Hạ viện tỏ vẻ cứng rắn nhưng không dễ như các vị dân cử Cộng Hòa bảo thủ mong muốn. Áp lực đầu tiên đến từ Tòa Bạch Ốc với cú điện thoại của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama cho ông Boehner và cho bà Trưởng Khối Ða Số Nancy Pelosi, kêu gọi “nên sớm giúp giải quyết vấn đề,” đồng thời nhắc lại một trong những mục tiêu ông đặt ra từ khi mới tranh cử nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên là “sẽ giải quyết vấn đề” để những người đang cư ngụ không có giấy tờ được phép ở lại Mỹ. Tòa Bạch Ốc cho biết trong cuộc điện đàm, Tổng Thống Obama có nói đến 2 việc: thứ nhất là dự luật của Thượng Viện được cả 3 đảng ủng hộ (với 68 phiếu thuận trong đó có 14 phiếu của nghị sĩ Cộng Hòa, chỉ có 32 phiếu chống), thứ nhì là những cuộc thăm dò đều đưa đến một kết quả chung: đa số người dân Mỹ ủng hộ những nỗ lực của Tòa Bạch Ốc và của Thượng Viện. Cũng theo Tòa Bạch Ốc, ông Obama kết thúc cuộc nói chuyện qua điện thoại với lãnh đạo Hạ Viện bằng câu, “Thượng Viện đã làm xong vai trò của Thượng Viện, chẳng chỉ riêng tôi mà cả nước đang trông chờ quý vị (Hạ Viện) làm tròn vai trò của quý vị.”
 
Áp lực thứ nhì đến từ chính các vị nghị sĩ Cộng Hòa. Ngay sau khi cuộc bỏ phiếu ở Thượng Viện hoàn tất, Thượng Nghị Sĩ John McCain nói rằng “chúng tôi (Thượng Viện) sẵn sàng ngồi xuống nói chuyện với các bạn (Cộng Hòa) ở Hạ Viện,” hứa hẹn “lắng nghe những điều các bạn quan tâm để cùng nhau sửa chữa cho dự luật hoàn hảo hơn.”
 
Vị nghị sĩ uy tín và cũng là người góp phần soạn thảo dự luật còn nói “tôi hiểu quan điểm của các bạn và của chúng tôi có những điểm khác biệt, nhưng chúng ta có cùng một mục đích.”
 
Sau ông McCain là nhắc nhở của Nghị Sĩ Jeff Chiesa, đại diện tiểu bang New Jersey. Ðại để, ông nói rằng “đừng quên mục tiêu của chúng ta là cuộc bầu cử giữa kỳ 2014 và cuộc bầu cử tổng thống 2016,” ý muốn nói cánh Cộng Hòa phải thật khéo léo “kẻo mang vạ vào thân” vì nếu đánh đòn chính trị không đúng “sẽ bị tập thể cử tri Hispanic chống đối. Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Bob Croker của tiểu bang Tennessee cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự, nói rằng “chẳng phải ai cũng bằng lòng với dự luật, nhưng đây là cách tốt nhất để giải quyết” và mời “quý vị dân biểu Hạ Viện tham gia” làm việc chung.
 
Áp lực chính trị thì mạnh nhưng cánh Cộng Hòa không nao núng. Trong cuộc họp báo, ông Chủ Tịch Boehner nói “sẽ đưa ra một dự luật trong đó chú trọng hơn về vấn đề an ninh biên giới” để chận đứng làn sóng người trốn lậu từ Mexico sang Hoa Kỳ. Không rõ các vị dân biểu Cộng Hòa sẽ đưa ra những quy định như thế nào, nhưng ông Boehner thông báo vào ngày mùng 10 tháng Bảy sắp tới, “sẽ triệu tập cuộc họp kín để thảo luận những điều cần làm,” đi kèm với đảm bảo “dự luật của Hạ Viện sẽ thể hiện đúng với ước muốn của người dân.”
 
Theo Dân Biểu Cộng Hòa Mario Diaz-Balart, “đừng nghĩ rằng chúng tôi (Hạ Viện) bị áp lực sau cuộc bỏ phiếu của Thượng Viện.” Vị dân cử gốc Hispanic đại diện cho tiểu bang Florida nói thêm “áp lực là ai cũng thấy điều sai lầm, ai cũng muốn sửa, nhưng làm thế nào để sửa cho đúng mới là điều quan trọng.” Ðiều đó có nghĩa là bên Hạ Viện Cộng Hòa không chấp nhận những điều khoản đã được phía Thượng Viện Dân Chủ thông qua, cho dù dự luật này được cả sự ủng hộ của những vị nghị sĩ cùng đảng.
Theo: Người Việt Online

Bạn cần biết thêm chi tiết? Vui lòng ĐẶT CÂU HỎI, hoặc liên lạc trực tiếp với chúng tôi qua hotline +84 (0) 909 39 69 99 để được tư vấn.